|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo cuộc họp ngày 26/2. Ảnh: VGP/Phan Trang
|
Thiếu nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp thiệt hại lớn
Thông tin được Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đưa ra tại cuộc họp về tác động của dịch bệnh COVID-19 lên ngành công nghiệp vào chiều ngày 26/2.
Báo cáo cho hay, tương tự như các ngành hàng ô tô, dệt may và da-giày, ngành điện tử đang chịu tác động lớn bởi thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ các quốc gia đang bùng phát dịch. Các sản phẩm của ngành công nghiệp điện-điện tử (trong đó bao gồm điện thoại và tivi) là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc.
Cụ thể, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%), từ Nhật Bản 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%).
Tương tự, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cung ứng đa quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng muộn hơn, nhưng mức độ ảnh hưởng là tương đương bởi nguồn linh kiện nhập khẩu cũng từ Trung Quốc. Hiệp hội cũng đưa ra dự báo, trong cuối quý I/2020, nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm sản lượng điện thoại và tivi trong nước.
Nêu trong báo cáo của Cục Công nghiệp, LG Việt Nam cho biết hãng đang phải đối mặt với việc không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đặc biệt, theo Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, ảnh hưởng của việc kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số model chiến lược đời mới của hãng do một số linh phụ kiện sản xuất các dòng này được nhập khẩu từ Trung Quốc (chủ yếu qua cửa khẩu Lạng Sơn).
Hiện tại, mặc dù lô hàng nhập khẩu linh kiện tại cửa khẩu Lạng Sơn đang được tạo điều kiện thông quan sớm theo đề nghị của Công ty, nhưng trong thời gian tới, dự kiến nguồn hàng nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi phía Trung Quốc dự kiến đóng cửa khẩu khiến doanh nghiệp không thể nhập khẩu qua đường bộ.
Trong trường hợp không giải quyết sớm vấn đề nguyên liệu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Công ty vì dây chuyền sản xuất của Công ty được thiết kế để vận hành liên tục nhằm giảm chi phí, nếu buộc phải tạm ngừng sản xuất sẽ mất rất nhiều chi phí cho việc vận hành trở lại.
Về tiêu thụ hàng hoá, Cục Công nghiệp cũng nhận định, Trung Quốc cũng như một số quốc gia đang bùng phát dịch bệnh khác như Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da-giày-túi xách, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động và linh kiện... Vì vậy ảnh hưởng của dịch bệnh cũng sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu và thị trường tiêu thụ ngoài nước của các ngành hàng trên.
|
Ngành dệt may chịu ảnh hưởng nặng nề vì thiếu nguyên liệu. Ảnh minh hoạ |
Đánh giá tác động chính xác để có chính sách phù hợp
Về vấn đề bảo đảm nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất trong nước, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp đề xuất, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc cũng như cấp Trung ương Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.
Ngoài ra, cần phải có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da-giày (các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
“Hiện nay, một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia đang phối hợp với Cục Công nghiệp tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ trong nước còn thấp, việc kết nối cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Trương Thanh Hoài chia sẻ.
Chỉ đạo tại cuộc họp ngày 26/2 về tác động của dịch bệnh đến sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu: Không làm bi đát, trầm trọng hoá tình hình hiện nay nhưng phải đánh giá kỹ lưỡng, theo dõi, đánh giá, tính toán diễn biến dự báo trước những kịch bản có thể xảy ra để có phương án đối phó.
“Giả sử khống chế dịch bệnh thành công trong nửa đầu năm nay thì tác động thế nào, khả năng để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển và tham gia tiếp, khả năng hồi phục của doanh nghiệp trong tương lai như thế nào chúng ta phải dự báo được. Những con số đưa ra phải ở mức tương đối chính xác mới xác định được mức độ, quy mô tác động của dịch để chúng ta tham mưu lên Chính phủ cho phù hợp”, Bộ trưởng yêu cầu.
Về dài hạn, Bộ Công Thương cho rằng phải có giải pháp lâu dài để phát triển công nghiệp trong nước, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chỉ tiêu tăng trưởng của công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình khống chế dịch bệnh, cụ thể:
Trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý I/2020, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp quý I/2020 chỉ tăng 5,18% so với cùng kỳ 2019 (quý I/2019 và quý I/2018 tăng lần lượt 9% và 10,45%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo – là ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất trong các ngành công nghiệp – chỉ tăng 6,28% trong quý I (so với dự kiến 10,47% trước đây).
Trường hợp dịch bệnh kết thúc cuối quý II/2020, dự kiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong quý II/2020 tăng 5,33% so với cùng kỳ 2019 (quý I/2019 và quý I/2018 tăng lần lượt là 9,24% và 8,34%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 6,23% trong quý II (so với dự kiến 11,21% trước đây).
|
Phan Trang