Cần có các giải pháp mạnh mẽ để nâng mức sinh tại những tỉnh, thành có mức sinh thấp - Ảnh minh họa
Tại Hội thảo "Mức sinh thấp tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp" do Bộ Y tế tổ chức ngày 10/11, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trên thế giới, mức sinh ở hầu hết các châu lục đều liên tục giảm và giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, từ 15-49 tuổi). Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn lao động và các vấn đề về già hóa dân số cũng như chăm sóc người cao tuổi.
Dự báo, tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau năm 2055, gây ra vấn đề phát triển không bền vững về con người - một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tỷ suất sinh đã giảm mạnh trong 70 năm qua. Hàn Quốc hiện có tổng tỷ suất sinh thấp nhất thế giới, ở mức 0,8, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, trong khi Singapore và Nhật Bản lần lượt ở mức 1,1 và 1,3. Với thực tế này, dự kiến người cao tuổi (trên 60 tuổi) trong khu vực này sẽ tăng gấp 3 lần từ nay đến năm 2050.
Ở Việt Nam, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì cho đến nay. Năm 2007, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng và đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng chỉ ra rằng, mặc dù nước ta đã duy trì mức sinh thay thế nhưng đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng.
Hiện, cả nước có 33 tỉnh, thành có mức sinh cao; 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, mức sinh của khu vực thành thị, toàn bộ các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó, có một số tỉnh, thành có mức sinh rất thấp là 1,48 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Tại TPHCM, có thời điểm mức sinh giảm xuống còn 1,2 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước. Điều này sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước.
Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, như khu vực đồng bằng sông Cửu Long - nơi chiếm vai trò quan trọng trong việc sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh quốc gia về lương thực.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao (khoảng 7,7%), trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%.
Tìm giải pháp cải thiện mức sinh thấp
"Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội... Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Để giải quyết chênh lệch mức sinh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cho vùng mức sinh thấp là: tuyên truyền lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội; tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt; thí điểm và từng bước mở rộng các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở vùng mức sinh thấp…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương gợi ý một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm như: khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi; hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con…
Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch hành động, trong đó đặt mục tiêu đến 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong tuổi sinh đẻ có dưới 2 con).
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận những giải pháp can thiệp, hỗ trợ các cá nhân, cặp vợ chồng hiếm muộn được hưởng hạnh phúc làm cha, mẹ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiền Minh