Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Ở lớp 3, đây cũng là lần đầu môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc. Ở lớp 10, môn Nghệ thuật (gồm 2 phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật) lần đầu được đưa vào giảng dạy với vai trò là môn học lựa chọn.
Cũng như nhiều địa phương khác của cả nước, đội ngũ giáo viên phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Quảng Trị vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ.
Thực trạng thiếu giáo viên bộ môn tiếng Anh và Tin học đang diễn ra tại nhiều cấp học của tỉnh này, đặc biệt là tại các trường khu vực 2 vùng núi là huyện Hướng Hóa và Đakrông
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị) cho biết:
“Theo số liệu đã rà soát, hiện số lượng giáo viên để dạy lớp 3 chương trình phổ thông mới của toàn tỉnh Quảng Trị còn thiếu cho môn Tin học, Ngoại ngữ năm học 2022-2023 là 7 giáo viên Tin học và 4 giáo viên Tiếng Anh.
Ở cấp Trung học cơ sở, tính đến tháng 10/2021, số liệu thống kê từ Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã cho thấy, về tổng thể thì bộ môn tiếng Anh đang thừa 5,5 giáo viên, môn Tin học đang thiếu 16 giáo viên.
Riêng 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông đang thiếu cục bộ giáo viên cả 2 môn này”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Nói về việc bố trí giáo viên cho năm học 2022 – 2023, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Chính trị tư tưởng thông tin:
“Việc bố trí giáo viên năm học 2022- 2023 về cơ bản là ổn chỉ gặp khó khăn tại 2 huyện miền núi phía Tây là Đakrông và Hướng Hóa.
Hai địa bàn này có nhiều trường ở miền núi còn khó khăn chưa có đủ phòng học ngoại ngữ; một số điểm trường lẻ xa trung tâm có quy mô nhỏ phải thực hiện ghép lớp nên khó triển khai dạy học tiếng Anh.”
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tùng, đối với bậc học lớp 10, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị chưa rà soát đội ngũ xong do thay đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các tổ hợp môn.
“Hiện nay, các đơn vị trường học phải tổ chức lại các tổ hợp môn học cho học sinh nên chưa có thống kê chính thức”, ông Tùng nêu.
|
Một giáo viên ở Quảng Trị có thể phải dạy nhiều cấp học. Ảnh minh họa: Một lớp học ở huyện vùng cao Hướng Hóa
|
Nói về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết:
“Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã và đang lên các phương án tổ chức giáo viên và phương án tổ chức dạy học.
Ngành giáo dục và đào tạo sẽ phối hợp với ngành nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện phương án tuyển dụng, hợp đồng lao động theo hướng dẫn tại Công văn số 371/BGDĐTNGCBQLGD ngày 26/01/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học bắt đầu từ năm học 2022-2023, bảo đảm đủ giáo viên để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh và môn Tin học theo lộ trình.
Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị sẽ thực hiện phương án điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học; biệt phái điều động giáo viên môn Tiếng Anh, môn Tin học đang dạy ở cấp trung học cơ sở tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học (sau khi đã được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Anh, môn Tin học cấp tiểu học); thực hiện quản lí, đánh giá giáo viên; có phương án hỗ trợ cho giáo viên được điều động, biệt phái dạy liên trường, liên cấp học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và bảo đảm đúng quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, sắp xếp thời khóa biểu một cách linh hoạt, phù hợp theo hướng dẫn tại Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 07/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường cấp tiểu học và các văn bản liên quan khác của Sở Giáo dục và Đào tạo bảo đảm 100% học sinh được học môn Tiếng Anh, môn Tin học.
Khuyến khích các cơ sở giáo dục tiểu học thực hiện phương án phối hợp với các tổ chức, các trung tâm trên địa bàn có chức năng, năng lực cung cấp dịch vụ để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, môn Tin học bảo đảm thực hiện chương trình môn học”.
Trao cũng trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cho biết, trước mắt Phòng sẽ tiến hành sắp xếp linh hoạt các cụm trường, bố trí các lớp học để đảm bảo đủ giáo viên, không để học sinh bị thiếu lớp học.
Các giải pháp cụ thể như phân công, bố trí, điều tiết giáo viên trong vùng; dồn lại các điểm trường để giảm số lớp và giáo viên; tuyển giáo viên hợp đồng với số chỉ tiêu biên chế còn thiếu.
Về lâu dài, Phòng sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện căn cứ trên tình hình thực tế có thể bố trí tuyển giáo viên.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục đang thừa 10.178 giáo viên ở cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; thiếu 94.714 giáo viên ở cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán.., thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật...
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên đang đặt ra thách thức rất lớn đối với ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước. (1)
|
Tài liệu tham khảo:
(1) https://quochoi.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-tuc.aspx?ItemID=63155&CategoryId=0
Trần Phương