Thiêng liêng kỷ vật “Đi B” 

“Đi B”-đó là hành trình bí mật, không biết trước được thời gian, đích đến, chỉ chắc chắn rằng đó là nhiệm vụ vinh quang mà hàng trăm đoàn cán bộ từ miền Bắc tình nguyện âm thầm vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.

Mọi kỷ vật, tư trang cá nhân của họ đều được gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Kể từ đoàn cán bộ đi B đầu tiên vào cuối năm 1959 đến khi đất nước hòa bình, hơn 70  ngàn kỷ vật đi B đã được lưu giữ tại đơn vị này. Năm 1995, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III thuộc Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) bắt đầu tiếp nhận khối hồ sơ kỷ vật, tiếp tục giữ gìn, bảo quản. Để đến hôm nay, những kỷ vật ấy lại trở về. 200 kỷ vật trong số đó lần đầu tiên đã được triển lãm tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ cùng với nhiều kỷ vật khác được bàn giao đến cán bộ đi B và người thân cán bộ đi B tại Quảng Trị cuối tháng 7 vừa qua.

Những kỷ vật đi B của ông Nguyễn Minh Khảm.

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước xúc động cho biết, hồ sơ kỷ vật của cán bộ đi B có ý nghĩa, giá trị hết sức to lớn, không chỉ lưu lại những thông tin cá nhân và quá trình phấn đấu của các cán bộ đi B mà còn là một nguồn tài liệu độc đáo, đa dạng, nguồn sử liệu vô giá minh chứng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc gắn với số phận của hàng vạn con người trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt, gia đình bị chia rẽ, ly tán. Bức thư kỷ vật của người con làng Linh Chiểu, xã Triệu Sơn (H. Triệu Phong, Quảng Trị) có tên Nguyễn Minh Khảm là một minh chứng tuyệt vời, gây xúc động mạnh cho nhiều người. Thư được ông Khảm viết trong thời gian học tập và công tác ở miền Bắc, gửi gắm nhiều niềm tin và khát vọng được cống hiến và chiến đấu. Thư bắt đầu bằng dòng rất đặc biệt: “Kính gửi Đảng thân yêu!”. Xuyên suốt bức thư gửi “Người đặc biệt” ấy, chàng trai làng Linh Chiểu dành tất cả niềm tin yêu, thiêng liêng, son sắt với Đảng khi trải lòng về nỗi đau khi hay tin cha mẹ ở miền Nam đã chiến đấu và hy sinh; nỗi đau đất nước phân ly và  lý tưởng cách mạng... Những lý do ấy thôi thúc ông tình nguyện vào Nam, xông pha nơi bom đạn khốc liệt nhất để góp sức giành lại độc lập, hòa bình cho Tổ quốc. Bức thư với những lời lẽ chân thành, ẩn chứa sức mạnh kỳ diệu, có sức truyền cảm đến lớp trẻ hôm nay hiểu sâu sắc về tình cảm thiêng liêng, lớn lao đối với Đảng, với đất nước của thế hệ cha anh. Kỷ vật hồ sơ đi B còn là những lá đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu của những thầy giáo, kỹ sư... viết từ giảng đường, nhà máy nói lời tiễn biệt để lên đường vào Nam chiến đấu. Và trên hành trình vinh quang ấy, có người mãi mãi không trở về, để lại niềm nhớ thương vô hạn đối với người thân, bạn bè. Chính vì thế, ngày trở về của kỷ vật cũng là cuộc đoàn tụ đặc biệt, là nguồn động viên vô giá của nhiều gia đình hôm nay.

Bà Điều rưng rưng đón nhận kỷ vật đi B của người em họ.

Đón nhận hồ sơ đi B của anh trai là liệt sĩ Nguyễn Quang Tịnh (H. Vĩnh Linh), bà Nguyễn Thị Thịnh bật khóc, như lại thấy được nụ cười của người anh can đảm và kiên cường. Ngày đi B, anh trai bà chỉ mới 20 tuổi, thanh xuân và niềm tin phơi phới về một ngày Nam - Bắc sum họp một nhà. Còn bà Nguyễn Thị Phượng (Hồ Xá, H.Vĩnh Linh), con gái liệt sĩ Nguyễn Hữu Tân thì rưng rức đón nhận từng món kỷ vật đậm sâu bóng hình cha. Bà Nguyễn Thị Điều (Hải Quy, H.Hải Lăng) vô cùng xúc động khi lật giở kỷ vật đi B của người em bà con Nguyễn Công Chính được bàn giao lần này. “Khi ở miền Bắc nghe nói em ấy công tác tại Nông trường quốc doanh trung ương, sau đó vào Nam chiến đấu, đó là quãng thời gian dài gia đình bặt tin tức. Chừ chộ kỷ vật ni càng hiểu và tự hào về em ấy nhiều hơn”, bà Điều chia sẻ.

Trong dòng người tấp nập về Di tích Thành cổ, mọi bước chân đều dừng lại khu triển lãm. Có ai đó reo lên khi tìm thấy hình ảnh người thầy của mình từ nửa thế kỷ trước qua những kỷ vật quý giá. Giữa không gian linh thiêng ấy, niềm xúc động cứ thế dâng trào...

BẢO HÀ

601 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 805
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 805
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77215257