Vụ sạt lở vùi lấp 2 nhà dân và làm hư hỏng nặng một căn nhà khác
tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hoà (Ảnh: baokhanhhoa.vn)
Cụ thể, tính đến 17h00 ngày 30/12 tại tỉnh Khánh Hòa có 03 người chết do sạt lở đất làm sập nhà, lúc 00-02h ngày 30/12/2018, tại thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Bà Ngô Thị Hương, sinh năm 1966; bà Hà Thị Kim Liên, sinh năm 1997; cháu Trần Bảo Hân, sinh năm 2018); tại tỉnh Phú Yên: 01 người chết do lũ cuốn trôi khi đi qua tràn, lúc 17h30’ ngày 29/12 (ông Nguyễn Văn Đồng, sinh năm 1984, trú tại thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân). Về nhà: 03 nhà sập tại tỉnh Khánh Hòa; 384 nhà ngập nước từ 0,3-1m tại tỉnh Phú Yên.
Về nông nghiệp: 10.870 ha lúa bị ngập (Huế: 34 ha, Bình Định: 4.124 ha, Phú Yên: 2.512 ha, Khánh Hòa: 4.200 ha), 50 ha hoa màu bị ngập tại tỉnh Phú Yên. Về thủy lợi, đê kè: 50m đê kè và 35m tuyến đê sông bị xói lở (tỉnh Bình Định); 464 m3 đất đá kênh mương thủy lợi bị sạt trượt (tỉnh Phú Yên) và sạt lở bờ biển một số khu vực thuộc các xã Vĩnh Hải, huyện Phú Lộc; xã Phú Thuận, huyện Phú Vang; xã Hải Dương, thị xã Hương Trà tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Về giao thông, tỉnh Phú Yên: Một số tuyến đường tỉnh lộ ĐT.642 một số vị trí trên các tuyến này bị ngập nước sâu từ 0,3-0,5m gây ách tắt giao thông. Đến sáng nay (31/12), nước rút, đã cơ bản thông xe. Tỉnh Khánh Hòa: đường qua Cầu tràn Thác Ngựa (thuộc Tỉnh lộ 8B) vẫn còn ngập sâu; Sạt lở 2.000m3 tại km57+850 thuộc Quốc lộ 27C đi Đà Lạt, hiện vẫn chưa thông tuyến; sạt lở tại Km22+600-Km28 thuộc Tỉnh lộ 9, hiện đã thông tuyến.
Về tình hình áp thấp nhiệt đới chiều ngày 30/12, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng thấp, di chuyển nhanh về phía Tây Nam. Hồi 01h00 ngày 31/12, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 7,0-8,0 độ Vĩ Bắc; 112,9-113,9 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa (quần đảo Trường Sa) khoảng 180km về phía Nam Tây Nam. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01h00 ngày 01/01/2019, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 6,4 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân (quần đảo Trường Sa) khoảng 190km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): toàn bộ khu vực Bắc và giữa Biển Đông (phía Bắc vĩ tuyến 7,0 độ Vĩ Bắc).
Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới trên Nam Biển Đông: cấp 3.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 01h00 ngày 02/01, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 6,2 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 420km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Trong 48-72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới: cấp 3.
Về tình hình lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Khánh hòa, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đang xuống. Mực nước lúc 19h00 ngày 30/12, trên các sông như sau: Sông Vệ (Quảng Ngãi) tại Sông Vệ 3,28m, dưới báo động 2 là 0,22m; sông Kôn (Bình Định) tại Thạch Hòa 6,82m, dưới báo động 2 là 0,18m; sông Cái Ninh Hòa (Khánh Hòa) tại Ninh Hòa 4,72m, dưới báo động 2 là 0,08m; các sông khác ở dưới báo động 1.
Về tình hình hồ chứa thủy điện: Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai Bộ Công Thương, trong 153 hồ cập nhật thông tin vận hành, có 03 hồ xả điều tiết qua tràn: Đơn Dương xả 106 m3/s, Sông Hinh xả 50 m3/s, Krong h’nang xả: 66 m3/s. Về tình hình hồ chứa thủy lợi: Các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đạt khoảng 90% dung tích thiết kế; tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đạt khoảng 70-80% dung tích thiết kế, trong đó một số hồ đã tích đầy nước, như: Sông Mực, Hao Hao (Thanh Hóa); Vực Mấu (Nghệ An); Kim Sơn, Xuân Hoa (Hà Tĩnh); Vực Tròn, Sông Thai (Quảng Bình); Hà Thượng (Quảng Trị); Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế); các hồ chứa khu vực Nam Trung Bộ đạt 80-100% dung tích thiết kế, các hồ chứa lớn tích nước cao, như: Đồng Nghệ, Hòa Trung (Đà Nẵng); Phú Ninh, Khe Tân, Phước Hà (Quảng Nam); Suối Dầu (Khánh Hòa); Sông Trâu, Trà Co (Ninh Thuận); Lòng Sông (Bình Thuận); hiện 06 hồ có cửa van đang xả qua tràn với lưu lượng từ 5-66m3/s; các hồ chứa khu vực Tây Nguyên đạt 70-95% dung tích thiết kế; hiện 01 hồ có cửa van đang xả qua tràn 10m/s (Krông Buk Hạ). Các hồ xung yếu đã bố trí trực ban để chủ động xử lý giờ đầu khi có sự cố.
Về tình hình tàu thuyền, theo báo cáo số 496/BC-PCTTMN ngày 30/12/2018 của Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Nam và các tỉnh, đã có 08 tỉnh/thành phố kiểm đếm tàu thuyền (Bình Định, Phú Yên, Hồ Chí Minh, Cà Mau, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang), cụ thể: Neo đậu tại bến: 6.321 tàu/38.462 lao động; tàu hoạt động ven bờ: 1.195 tàu/4.845 lao động; tàu đánh bắt xa bờ (công suất lớn hơn 90 CV): 3.486 tàu/25.502 lao động.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, để chủ động ứng phó với tình hình áp thấp nhiệt đới, mưa lũ và các hình thái thời tiết phức tạp đang diễn ra, đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành thực hiện nghiệm nội dung Công điện số 60/CĐ-TW ngày 30/12/2018, trong đó tập trung một số nhiệm vụ: Tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thời tiết trên các phương tiện thông tin để chủ động, thông báo, hướng dẫn kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tầu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra, hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh phía Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện phòng, tránh rét cho cây trồng, vật nuôi; căn cứ tình hình thực tế để quyết định cho học sinh nghỉ học tránh rét hại.
Các tỉnh ven biển Trung Bộ chủ động kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với tình hình mưa lũ có thể còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, đặc biệt là với với các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Chú trọng công tác vận hành đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du hồ chứa, nhất là các hồ xung yếu, các hồ đã đầy nước./.
Đặng Hiếu