Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đề xuất những giải
pháp thích ứng với nền kinh tế số. Ảnh: VGP/Thu Cúc
Chiều 13/7, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh chủ trì Hội thảo chuyên đề “Những xu hướng lớn của cuộc CMCN 4.0 - Nhận diện tác động và khuyến khích đối với Việt Nam”. Đây là 1 trong 5 hội thảo chuyên đề của “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh - Industry 4.0 Summit 2018”.
Nhận diện rõ những tác động
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang bùng nổ và đã tác động đến nhiều quốc gia, Chính phủ các nước hết sức quan tâm và chủ động ban hành các chiến lược phát triển 4.0 cho riêng mình như: Đức (Industrie 4.0), Mỹ (Liên minh Internet công nghiệp), Hàn Quốc (iKorea 4.0), Trung Quốc (Made in China 2025)... Đối với Việt Nam, CMCN 4.0 cũng đang mang lại cơ hội cho nền công nghiệp số hóa giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những đổi mới mạnh mẽ: Xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hóa, chuẩn bị toàn diện cho quá trình chuyển đổi số, bắt đầu từ quản trị công quốc gia đến các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số, xã hội số; phát triển cơ sở hạ tầng thông tin; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh…
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng thảo luận về các xu hướng lớn của chuyển đổi số, các cơ hội và thách thức của nền kinh tế số đối với Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất các hướng công nghệ Việt Nam cần ưu tiên phát triển trong thời gian tới cùng với những chính sách cần xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho định hướng công nghệ này được triển khai hiệu quả.
Các đại biểu cũng cùng nhau làm rõ những nội dung liên quan đến phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam, các xu thế, đề xuất định hướng chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, ứng dụng mô hình kinh doanh mới trong kinh tế số.
Phân tích những thách thức và cơ hội cho Việt Nam khi thích ứng với nền kinh tế số, chuyên gia tư vấn nghiên cứu cao cấp Lucy Cameron - phụ trách dự án tầm nhìn chiến lược về kinh tế số của Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đứng trước hàng loạt nguy cơ như: Yêu cầu tăng năng suất lao động mà không làm ảnh hưởng đến tỉ lệ thất nghiệp; chiến lược để thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo cung ứng năng lượng và cơ sở hạ tầng cho phát triển. Song song với các nguy cơ là hàng loạt cơ hội phát triển bao gồm: Tận dụng lợi thế vị trí địa lý chiến lược nằm trong trung tâm phát triển kinh tế, phát huy các ngành kinh tế tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo; tăng cường lợi thế từ sự bùng nổ của thị trường du lịch Đông Nam Á.
Theo báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng cho CMCN4.0 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 48/100 về cấu trúc của nền sản xuất và thứ 53/100 về các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Đánh giá về mức độ sẵn sàng, Việt Nam mặc dù vẫn ở nhóm Sơ khởi nhưng khá gần với nhóm Tiềm năng cao.
4 trụ cột để thích ứng
Nhận định rõ các thách thức, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã đưa ra đề xuất mô hình phát triển thích ứng với nền kinh tế số. Theo đó, để hướng đến một kịch bản phát triển kinh tế số và sản xuất thông minh, Việt Nam cần kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất, tiếp nhận công nghệ của thế giới và phát triển những sản phẩm công nghệ của riêng mình.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng nêu cách thức thực hiện cụ thể là lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Nhà nước, Chính phủ, viện, trường đã tập trung cao độ hỗ trợ thương mại hóa các kết quả của hoạt động KH&CN theo chuỗi giá trị, phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng.
Để thực hiện hiệu quả, cần những giải pháp đồng bộ ở cả 4 trụ cột: Hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (KH&CN, ĐMST, Startups…).
Về thể chế, chính sách, cần tiếp tục cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới. Cần triển khai các Regulatory Sandbox (khuôn khổ pháp lý thử nghiệm) để thử nghiệm việc triển khai chính sách, các mô hình quản lý, kinh doanh mới. Đặc biệt là trong các lĩnh vực phát triển nhanh, mới như Fintech, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Để đảm bảo nguồn nhân lực có năng lực phù hợp để tiếp cận Công nghiệp 4.0, các chính sách và nội dung giáo dục cũng cần được thay đổi mạnh mẽ để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của CNTT trong nước, với các trụ cột chính về hạ tầng CNTT: Mở rộng xa lộ thông tin đến mọi ngõ ngách, bảo đảm kết nối cho toàn bộ các thành phần máy móc, thiết bị với dữ liệu, các quy trình, cũng như con người; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển, kinh doanh những công nghệ mới như 5G. Đặc biệt, cần có chính sách đặc biệt khuyến khích để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư Xây dựng trung tâm dữ liệu phục vụ nhu cầu trong nước; có chính sách thực sự thiết thực về tài chính để doanh nghiệp ứng dụng CNTT và đổi mới công nghệ.
Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành tham gia nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN4.0 (do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì) và Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ để cụ thể hóa các nội dung và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Để phục vụ các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ của CMCN4.0, làm cơ sở nhân rộng các kết quả ra khối doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng phê duyệt và đưa vào triển khai “Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về CMCN4.0”.
Thu Cúc