Với 40 năm kinh nghiệm làm việc trong xưởng cơ khí, mong muốn giúp cho người dân nâng cao hiệu quả, tiết kiệm sức lao động nhiều hơn trong việc thu hoạch sắn, ông Lê Thanh Bình (trú phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đã ấp ủ trăn trở suy nghĩ ngày đêm về một thiết bị có thể giúp bà con nông dân bớt vất vả.
Ông Bình quyết định dành thời gian đi thực tế ở các vùng trồng sắn nhiều tại tỉnh Quảng Trị, từ đồng bằng lên miền núi xem cách người dân hay nhổ sắn và kết quả lao động...
|
Ông Lê Thanh Bình bên dụng cụ nhổ sắn. |
Sau hơn 2 tháng đi thực tế tìm hiểu, ông Bình đã lên ý tưởng và nghiên cứu sáng chế ra bộ dụng cụ nhổ sắn tiện lợi có thể mang đi thu hoạch sắn ở mọi địa hình khác nhau, từ vùng đồng bằng đến đồi núi có dốc, mà năng suất lao động gấp 5 - 7 lần theo cách nhổ sắn bằng tay thông thường.
Bộ dụng cụ nhổ sắn của ông Lê Thanh Bình có trọng lượng khoảng 4kg, cấu trúc gọn nhẹ, được làm bằng các thanh sắt, thép và thiết kế theo cơ cấu tự trượt khi thay đổi góc nhổ. Với góc nhổ thay đổi linh hoạt, củ sắn ít bị gãy. Thiết kế chiếc máy đơn giản, kết cấu hài hòa nên người sử dụng không mất nhiều sức lực. Sản phẩm này đã được thử nghiệm thành công và đưa ra thị trường từ năm 2019.
Ông Lê Thanh Bình chia sẻ: "Hiện nay, ngoài khâu trồng và chăm sóc thì khâu thu hoạch sắn cần nhiều sức lực của người nông dân nhất, bộ dụng cụ của tôi nghiên cứu ra thì sẽ giúp cho người dân tiết kiệm được thời gian, sức lực và tăng hiệu quả khi thu hoạch. Đặc biệt, bộ dụng cụ nhổ sắn này phù hợp trên mọi địa hình".
Theo ông Lê Thanh Bình, bộ dụng cụ nhổ sắn đơn giản và làm thủ công nên một thợ lành nghề chỉ làm được 1 cái trong vòng một ngày. Vì thế, trong mùa thu hoạch sắn năm 2019, ông đã kịp bán ra thị trường trên 300 máy. Để chuẩn bị cho mùa thu hoạch sắn năm 2020, hiện nay ông đang có nhiều đơn đặt hàng từ các địa phương khác nhau như huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), cùng một số tỉnh ở xa trong Tây Nguyên…
"Bộ dụng cụ nhổ sắn do tôi nghiên cứu ra hiện vẫn được làm bằng thủ công nên công suất chưa cao. Giá bán hiện nay là 500 nghìn đồng/máy nhưng vật liệu đã ngốn mất 200 nghìn đồng", ông Lê Thanh Bình nói.
Theo Hội Nông dân phường 5 (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), mô hình sáng chế nông cụ phục vụ cho thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp của ông Lê Thanh Bình là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người nông dân tiết kiệm thời gian, công sức, tăng hiệu suất thu hoạch...
Sau khi thử nghiệm sản phẩm thành công và được thị trường đón nhận, ông Lê Thanh Bình còn mạnh dạn đem bộ dụng cụ nhổ sắn của mình tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ VIII (2018 - 2019) vào tháng 7/2019 và đoạt giải Ba (không có giải Nhất).
|
Dụng cụ nhổ sắn đơn giản, tiện lợi của ông Lê Thanh Bình. |
|
Dụng cụ nặng khoảng 4kg, thích ứng với mọi địa hình. |
|
Dụng cụ đang được bày bán trong xưởng cơ khí của ông Lê Thanh Bình. |
|
Hàng trăm chiếc máy đã đến tay người nông dân trồng sắn ở khắp các miền xuôi ngược. |
Được nhiều người dân biết đến không chỉ với dụng cụ nhổ sắn tiện lợi, ông Bình còn có nhiều sáng chế khác hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như: dụng cụ gieo, nhổ lạc (đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kĩ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ 3 năm 2009, giải Ba Hội thi Sáng tạo kĩ thuật khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2009); dụng cụ cắt mủ cao su,... Bên cạnh đó, các sản phẩm là phụ kiện hàng rào, cửa cổng giúp tăng tính thẩm mĩ cho các ngôi nhà… do xưởng của ông Bình chế tạo nhiều năm qua cũng được khách hàng lựa chọn, yêu thích.
Hà Oai