Tại buổi họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong 6 tháng, thị trường tiền tệ và ngoại hối, chỉ số hệ thống ngân hàng về cơ bản tích cực và ổn định. Từ đầu năm 2017, theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự ổn định lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay là khó khăn, thách thức. NHNN đã theo dõi sát trong mấy tháng đầu năm, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, nhưng chủ yếu là tăng lãi suất huy động tiền gửi trên 12 tháng, một số phát hành chứng chỉ tiền gửi. Trước tình hình đó, NHNN chủ động, họp với các ngân hàng thương mại (NHTM) để tìm hiểu nguyên nhân cũng như chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) đưa ra giải pháp ổn định lãi suất. Về tín dụng, ngay từ đầu năm NHNN đưa ra định hướng mục tiêu tín dụng tăng 18%. Qua theo dõi, NHNN thấy tín dụng trong thời gian đầu năm đã cao hơn những năm trước. Tính đến ngày 25/5, tín dụng tăng trưởng 6,53% cao hơn so với cùng kỳ các năm trở lại đây đã góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào hoạt động ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt, tín dụng bất động sản tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2016.
Về điều hành thanh khoản trên thị trường tiền tệ, NHNN đã thực hiện điều hành đã chỉ thị các TCTD phải kiểm soát các tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, cho vay lĩnh vực bất động sản, các khoản tín dụng cho vay dự án BT và BOT. Về tỷ giá, ngoại hối, theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thị trường gặp nhiều khó khăn khi vào cuối năm 2016 thị trường thế giới và trong nước diễn biến phức tạp. NHNN đã điều hành chính sách tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm đảm bảo mục tiêu của chính sách tiền tệ, điều tiết trên thị trường tiền đồng giúp thị trường ngoại hối ổn định. Hiện tỷ giá trung tâm tăng trên 1% so với đầu năm 2016, đồng thời NHNN mua được lượng dự trữ ngoại hối lớn. Chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, cho vay nông nghiệp công nghệ cao; ngành chăn nuôi,... Thống đốc NHNN cũng đã chỉ đạo phối hợp hỗ trợ kịp thời.
Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong 6 tháng đầu năm 2017, NHNN đã trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về việc xử lý nợ xấu và sửa đổi bổ sung về Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD). Điều này nhằm tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy việc xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả hơn. Mục tiêu chính của Nghị quyết là xử lý triệt để được nợ xấu. Trong đó, nổi bật 3 điểm chính:
Thứ nhất, giới hạn phạm vi các khoản nợ xấu hiện tại tính đến 31/12/2016 và các khoản nợ xấu phát sinh trong thời hạn áp dụng của Nghị quyết (dự kiến là 5 năm).
Thứ hai, xây dựng thị trường mua bán nợ theo kinh nghiệm trên thị trường thế giới. Theo đó, cho phép Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) bán các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường và theo quy định của pháp luật, kể cả bán dưới giá trị sổ sách; Cho phép VAMC mua các khoản nợ xấu cả nội và ngoại bảng.
VAMC được phép chuyển đổi từ các khoản nợ xấu đã được mua bằng trái phiếu VAMC chuyển đổi sang nợ được mua bán trong thị trường. VAMC được bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó, bên mua có quyền nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất đối với các khoản nợ vay có tài sản bảo đảm. Đây là điểm gây ách tắc trong việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua.
Thứ ba, Nghị quyết có quy định đảm bảo quyền chủ nợ của các TCTD đặc thù là trung gian tài chính. Nguồn vốn cấp tín dụng là nguồn tiền huy động của người dân, khi bảo vệ quyền của chủ nợ là bảo đảm quyền của người gửi tiền. Vì vậy cần bảo đảm quyền thu giữ tài sản bảo đảm, thứ tự hoàn trả sau khi thu hồi được nợ xấu. Không thực hiện kê biên tài sản bảo đảm mà chưa được sự đồng ý của chủ nợ, ảnh hưởng đến khả năng thu hồi khoản nợ.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Dự thảo sẽ được Thống đốc NHNN giải trình vào ngày 7/6. Đối với dự thảo sửa đổi luật TCTD, sẽ thông qua vào kỳ họp tới của Quốc hội./.
Minh Phương