Đáng chú ý, giá đậu tương lao dốc hơn 4,5%, dầu đậu tương cũng sụt sâu gần 6% sau khi Báo cáo cung - cầu nông sản thế giới WASDE tháng 8 gây bất ngờ khi cho biết khả năng Mỹ sẽ có một mùa vụ bội thu trong năm 2024.
Giá đậu tương và ngô rơi xuống vùng giá thấp
Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, thị trường nông sản chứng kiến lực bán mạnh. Toàn bộ 7 mặt hàng đều giảm giá. Trong đó, giá đậu tương ghi nhận sụt giảm hơn 4,5%, ghi nhận tuần thứ ba liên tiếp suy yếu. Thị trường chịu áp lực khi các số liệu trong báo cáo WASDE tháng 8 cho thấy Mỹ có thể sẽ có một vụ mùa bội thu trong năm nay.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng chỉ ra rằng nguồn cung đậu tương thế giới cũng cao hơn nhiều so với dự đoán của giới phân tích. Tồn kho cuối niên vụ 2024-2025 ước tính đạt 134,3 triệu tấn, cao hơn dự báo 127,6 triệu tấn của thị trường.
Một diễn biến đáng chú ý trên thị trường nông sản tuần qua, giá ngô cũng hạ hơn 0,5%, đóng cửa ở vùng thấp nhất kể từ tháng 9/2020. Giá ngô vẫn chịu sức ép do triển vọng thời tiết tốt tại khu vực Vành đai ngô của Mỹ.
Thị trường dầu diễn biến giằng co
Thị trường dầu vừa trải qua một tuần giao dịch giằng co. Đóng cửa, giá dầu WTI giảm nhẹ 0,25% về mức 76,65 USD/thùng. Dầu Brent gần như đi ngang so với tuần trước kết thúc với mức 79,68 USD/thùng. Một loạt dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ đã góp phần nâng đỡ giá dầu, nhưng áp lực tồn kho bên cạnh nhu cầu suy yếu của Trung Quốc đã cản đà tăng của giá.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng EIA, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần trước tăng 1,4 triệu thùng, trái ngược so với dự báo của thị trường là giảm 2,2 triệu thùng cũng như công bố giảm mạnh 5,2 triệu thùng từ Viện Dầu khí Mỹ trong phiên sáng. Dữ liệu tồn kho tăng trở lại sau 6 tuần giảm liên tiếp trái ngược với kỳ vọng của thị trường qua đó gây sức ép lên giá.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm tới dưới áp lực đến từ Trung Quốc. Trong báo cáo tháng 8, IEA đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 với mức 970.000 thùng/ngày, tuy nhiên tăng trưởng trong năm sau được điều chỉnh giảm thêm 30.000 thùng/ngày xuống chỉ còn 950.000 thùng/ngày. Thêm vào đó, IEA cho biết tăng trưởng nhu cầu trong quý II năm nay ghi nhận mức yếu nhất kể từ sau đại dịch COVID-19.
Một loạt các dữ liệu từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới cũng đã cắt đứt đà hồi phục của giá. Những áp lực từ nền kinh tế đã đẩy nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 3,9 triệu thùng/ngày trong tháng 6, mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ tháng 7/2021, theo ước tính đến từ Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng (EIA).
Ở chiều ngược lại, rủi ro xung đột tại khu vực Trung Đông bên cạnh khả năng Mỹ sẽ đạt được một cuộc hạ cánh mềm trong năm nay phần nào đã hạn chế đi đà suy yếu đối với giá trong tuần.
Các dữ liệu tích cực của nền kinh tế số 1 thế giới sau khi lạm phát tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt càng thúc đẩy niềm tin của thị trường vào việc Mỹ sẽ tránh được nỗi lo suy thoái trong tương lai. Yếu tố này đã thúc đẩy đà tăng của giá trên thị trường.