Thị trường xuất khẩu gạo khởi sắc trong 2 tháng đầu năm 2018 (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tính đến cuối tháng 2, các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên - Huế trở ra) đã gieo cấy được 907,1 nghìn ha lúa Đông Xuân, bằng 97,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại miền Nam, diện tích gieo sạ lúa Mùa 2017 đạt 570.585 ha, chiếm 102,2% kế hoạch; đã thu hoạch được khoảng 545.562 ha, chiếm 95,61% diện tích gieo trồng, năng suất đạt 48,3 tạ/ha. Lúa Đông Xuân gieo sạ đạt 1.953,1 nghìn ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017; riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy đạt 1.563,9 nghìn ha và đã thu hoạch khoảng 249,2 nghìn ha.

Về tình hình thị trường, tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 2/2018 có dấu hiệu sôi động hơn, giá lúa tăng so với tháng 1/2018. Các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu tập trung gom hàng để trả hàng cho các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết với những thị trường truyền thống và chuẩn bị đơn hàng vào nhiều thị trường mới. Lúa Đông Xuân tại một số địa phương bắt đầu thu hoạch, nhu cầu mua vào của các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu tăng.

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có mức tăng và ổn định. Tại Kiên Giang, giá lúa tăng 200 đ/kg, cụ thể: lúa IR50404 lên mức 5.900 – 6.100 đ/kg; lúa OM 4218 lên mức 6.400 - 6.500 đ/kg; lúa OM 6976 lên mức mức 6.400 - 6.600 đ/kg; lúa Jasmine ở mức 6.600 đ/kg. Tại Vĩnh Long, lúa Đông Xuân giống IR50404 tại thị xã Bình Minh ổn định ở mức 5.200 đ/kg (lúa ướt). Tại Bạc Liêu, lúa tài nguyên mới tại huyện Vĩnh Lợi ổn định ở mức 6.800 – 7.000 đ/kg; giá bán buôn lúa OM 5451 của Công ty Lương thực Bạc Liêu ổn định ở mức 6.500 đ/kg.

Trên thị trường ngoài nước, khối lượng gạo xuất khẩu gạo tháng 2/2018 ước đạt 397 nghìn tấn với giá trị đạt 197 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2018 ước đạt 889 nghìn tấn, đạt giá trị 437 triệu USD, tăng 21% về khối lượng và tăng 39,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Theo nhận định của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), những tháng đầu năm tình hình xuất khẩu gạo rất tốt và giá gạo của Việt Nam cao hơn Thái Lan. Nếu như giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn thì năm 2017 là 450 USD/tấn và giá gạo trong đợt xuất khẩu đầu năm 2018 đạt 475 USD/tấn. Nguyên nhân giá xuất khẩu gạo tăng cao là do trong 3-4 năm qua, chúng ta đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm tới 80%.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tháng 1/2018, Phillipines đứng vị trí thứ nhất thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với thị phần 26,9%; Trung Quốc là thị trường đứng thứ 2 nhập khẩu gạo của Việt Nam với 23,5% về thị phần.

Hiện nay đã có khu vực tư nhân quan tâm đến chế biến và xuất khẩu gạo, vì vậy, hy vọng với sự vào cuộc của doanh nghiệp sẽ giải quyết những khó khăn nội tại của ngành gạo, đồng thời ngành gạo sẽ nỗ lực tháo gỡ những “điểm nghẽn” từ các khâu chế biến, xây dựng thương hiệu, tổ chức thị trường và phúc lợi.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định, gạo Việt Nam có được giá cao do chất lượng gạo được tăng lên. Trước đây chủ yếu xuất khẩu gạo thường IR 50404, nay xuất khẩu gạo nếp thơm, ngon là chủ yếu. Trong đó, 81% cơ cấu gạo xuất khẩu năm 2017 là gạo nếp, tám thơm,...Đồng thời, nhờ việc định hướng nhiều năm tái cơ cấu, việc nâng cao chất lượng gạo bước đầu hiệu quả.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết thêm, tới đây, xuất khẩu gạo tiếp tục kiên trì đi theo con đường nâng cao chất lượng. Năm 2018 có khả năng xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,5 triệu tấn, trong đó giữ cơ cấu chủ yếu là gạo chất lượng tốt, gạo thường có tỷ lệ nhất định. Đặc biệt với giống lúa IR50404, mặc dù hiện nay giá tốt nhưng không vì giá tốt trước mắt mà đẩy trở lại tăng giống này. Đồng thời, cần tăng về chất lượng và cần làm tốt hơn công tác thương hiệu để giữ được giá lâu dài./.

BT