Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trao đổi tại tọa đàm (Ảnh: KT)
Bức tranh thị trường lao động
Ngày 27/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Việc làm, thị trường lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập”. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp là khách mời tham gia Chương trình tọa đàm.
Đánh giá về bức tranh thị trường lao động của Việt Nam năm 2017, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: Thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; các kết quả trên thị trường lao động được cải thiện như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, thị trường lao động nước ta vẫn còn những điểm hạn chế phải khắc phục như: Chất lượng lao động ở thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế; cơ cấu ngành nghề đào tạo có nhiều bất cập. Đặc biệt là còn thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam thấp.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. Trong khi cung lao động lớn, song vẫn có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, không chỉ lao động qua đào tạo mà còn khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông.
Bên cạnh đó là chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, năng suất thấp. Nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và các ngành thâm dụng lao động (sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản và khai khoáng, các sản phẩm công nghiệp sơ chế và dịch vụ tiêu dùng sử dụng nhiều lao động phổ thông).
Thứ trưởng cũng thẳng thắn cho hay, “còn rất nhiều lao động làm công ăn lương chỉ có hợp đồng bằng miệng hoặc thậm chí là không có hợp đồng. Và thất nghiệp gia tăng mạnh ở những người có trình độ cao (từ đại học trở lên)”.
Đối mặt nhiều thách thức
Trao đổi tại tọa đàm, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời kỳ mà Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được ứng dụng, sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người. Kỷ nguyên số làm thay đổi thế giới, đảo lộn mọi giá trị truyền thống, xóa nhòa danh giới, khoảng cách về không gian, thời gian, địa lý, màu da, dân tộc; tạo ra một thế giới phẳng.
Thời kỳ kỷ nguyên số sẽ tác động làm biến đổi thị trường lao động, cụ thể sẽ có nhiều ngành nghề, công việc truyền thống/thủ công sẽ mất đi đồng nghĩa với việc người lao động ở các quốc gia sẽ mất đi nhiều việc làm, cơ hội việc làm nhưng nó cũng mở ra cơ hội xuất hiện nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận định, đối với Việt Nam, một quốc gia có xuất phát điểm, nền tảng, trình độ (công nghệ, nguồn nhân lực...) hạn chế thì thị trường lao động sẽ gặp nhiều thách thức như: Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm; 46 triệu lao động Việt Nam (lao động chưa qua đào tạo) đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao robot, trang thiết bị công nghệ thông minh. Thiếu đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là một số ngành/lĩnh vực chủ lực của thời kỳ kỷ nguyên số như bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin...
Để có những chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đảm bảo việc làm cho người lao động trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH có các đơn vị thực hiện nghiên cứu, dự báo về việc làm và thị trường lao động trong đó nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các vấn đề như: quy mô, chất lượng của lực lượng lao động; xu hướng việc làm; việc làm phi chính thức; chuyển dịch lao động trên thị trường; thất nghiệp; năng suất lao động; thị trường lao động khu vực ven biển; đối tượng và xu hướng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; việc làm thanh niên; tác động của hội nhập quốc tế đến thị trường lao động… Đó là nhiều sản phẩm như: Báo cáo xu hướng việc làm Việt Nam (xuất bản hàng năm); Báo cáo đánh giá sự dịch chuyển vị thế của người lao động trên thị trường lao động hậu WTO; Báo cáo Phân tích tình hình sử dụng lao động và dự báo cầu lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam; Báo cáo Nghiên cứu thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh các hợp tác khu vực ASEAN về kinh tế và lao động: Cơ hội và thách thức; Báo cáo phân tích, đánh giá tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với thị trường lao động Việt Nam.
Thứ trưởng cho biết, các ấn phẩm này đã cung cấp kịp thời các thông tin về xu hướng, biến động của thị trường lao động trong quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai, được các độc giả đánh giá cao về chất lượng cũng như sự đa dạng, phong phú của nội dung được đề cập trong các ấn phẩm. Đồng thời những thông tin trên cũng là cơ sở khoa học để cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý có những điều chỉnh về chính sách, các giải pháp can thiệp vào thị trường lao động một cách hợp lý và hiệu quả.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, hiện nay, một số mô hình đã được triển khai phục vụ cho dự báo trung và dài hạn./.
Kim Thanh