Tuy nhiên, lực bán có phần chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index tiếp tục suy yếu 0,38% xuống 2.291 điểm. Đáng chú ý, giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh 21,5%, đạt gần 8.400 tỷ đồng, cao nhất trong 3 tuần trở lại đây. Trong đó, dòng tiền đầu tư tập trung chủ yếu ở nhóm nông sản và kim loại, chiếm đến 85% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Giá ngô quay đầu giảm mạnh từ mức đỉnh năm 2024
Đóng cửa ngày 14/5, giá ngô quay đầu giảm mạnh sau khi chạm mốc cao nhất kể từ đầu năm nay. Thị trường biến động liên tục sau các báo cáo quan trọng trong 2 tuần qua. Bên cạnh áp lực chốt lời của giới đầu tư, triển vọng sản lượng cao hơn tại Brazil là yếu tố đã góp phần gây sức ép lên giá.
Trong báo cáo tháng 5, Cơ quan Cung ứng mùa vụ của Chính phủ Brazil (CONAB) đã nâng dự báo sản lượng ngô niên vụ 2023-2024 lên mức 111,64 triệu tấn, cao hơn so với so với mức 110,96 triệu tấn trong ước tính tháng trước. Mặc dù cơ quan này cắt giảm dự báo năng suất niên vụ 2023-2024 xuống còn 5,42 tấn/ha, tuy nhiên, sản lượng ngô của Brazil vẫn tăng do diện tích gieo trồng được nâng lên 1,3% so với báo cáo trước. Nguồn cung cao hơn từ Brazil là yếu tố đã góp phần thúc đẩy lực bán đối với ngô.
Bên cạnh đó, báo cáo Tiến độ mùa vụ (Crop Progress) ngày hôm qua của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, tính đến ngày 12/5, nông dân nước này đã trồng 49% diện tích ngô dự kiến, ngang với kỳ vọng của thị trường, tăng mạnh 13% trong tuần qua.
Áp lực vĩ mô kéo giá dầu suy yếu
Kết thúc ngày giao dịch 14/5, giá dầu suy yếu trở lại chủ yếu do áp lực vĩ mô, khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát sản xuất tháng 4. Ngoài ra, sự hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng của các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cũng tạo sức ép cho giá. Đóng cửa, giá dầu WTI giảm 1,39% xuống 78,02 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,18% xuống 82,38 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 4 tăng 0,5% so với tháng trước, cao hơn so với dự báo tăng 0,3%, sau khi điều chỉnh giảm 0,1% trong tháng 3. PPI lõi không bao gồm thực phẩm và năng lượng của Mỹ trong tháng trước cũng cao hơn dự báo với mức tăng 0,5%.
Lạm phát đầu vào tăng trở lại đe dọa tới khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất cao duy trì lâu hơn trong nền kinh tế sẽ tạo ra rủi ro tăng trưởng, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, kéo theo áp lực bán trên thị trường dầu trong phiên hôm qua.
Về mặt cung cầu, thông tin quan trọng nhất là báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 5 của OPEC cho thấy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ năm 2024 không đổi so với quan điểm tháng trước, với mức tăng 2,25 triệu thùng/ngày, đạt trung bình 104,46 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng dầu của 12 nước OPEC trong tháng 4 đạt 26,575 triệu thùng/ngày, giảm nhẹ 48.000 thùng/ngày so với tháng 3 với mức giảm đến từ các quốc gia như Nigeria và Iraq. Tuy nhiên, sản lượng của nhóm OPEC gồm 9 thành viên chịu giới hạn hạn ngạch trong tháng trước đạt 21,375 triệu thùng/ngày, vẫn đang cao hơn khoảng 200.000 thùng/ngày so với mức mục tiêu đề ra. Điều này đặt ra hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC, từ đó tiếp tục thúc đẩy giá dầu giảm trong phiên.
Theo Bloomberg, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kazakhstan, Iraq, Kuwait và Algeria là các quốc gia thậm chí còn có tiềm năng tăng sản lượng vào năm tới. UAE cho biết họ có khả năng bơm 4,85 triệu thùng mỗi ngày, cao hơn nhiều so với mức hạn ngạch 3,5 triệu thùng/ngày được giao. Trong khi đó, Iraq cũng cho biết họ có thể đưa ra thị trường tới 5,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại Mỹ giảm hơn 3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 10/5 so với dự báo chỉ giảm 0,5 triệu thùng. Trong khi tồn kho xăng giảm 1,3 triệu thùng, trái với dự báo tăng, đã làm hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên sáng.