|
Tọa đàm Đầu tư Tài chính 2022 - Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán. |
Vấn đề này được đưa ra thảo luận tại Tọa đàm Đầu tư Tài chính 2022 - Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán, do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 29/6, tại Hà Nội.
VN-Index có thời điểm xuống 1.156 điểm, thanh khoản của thị trường bình quân chỉ còn khoảng 1/3 so với thời kỳ đỉnh cao. Nhiều nhà đầu tư chịu áp lực bổ sung ký quỹ, buộc phải bán tháo cổ phiếu…Tuy nhiên, TTCK vẫn được chọn là điểm đến dòng tiền. Nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh FED tăng lãi suất, trên các thị trường toàn cầu, đã diễn ra hiện tượng rút ròng của các dòng vốn ETFs.
Ở trong nước, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 1,38 triệu tài khoản chứng khoán, gần bằng con số của cả năm 2021 là 1,53 triệu tài khoản.
Theo dự báo của FiinGroup, triển vọng tăng trưởng năm 2022 của hầu hết các ngành chính được dự báo tích cực. Tuy nhiên, một số ngành có sự hồi phục rất chậm.
Bên cạnh đó, sự ổn định của kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát thấp (dưới 5%) so với các quốc gia đang ở đỉnh lạm phát, dư địa cho tiền tệ và tài khóa tham gia ổn định vĩ mô, phục hồi kinh tế vẫn còn. Cùng với đó là các biện pháp để lành mạnh hóa thị trường, hướng đến bền vững, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, chắc chắn đưa thị trường phục hồi trở lại, tương xứng tiềm năng. Ngoài những yếu tố tích cực như nêu trên, một thực tế đang diễn ra là dù nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, TTCK vẫn đang trồi sụt khó lường.
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng việc nhận định thời điểm các chỉ số chứng khoán chạm đáy, tìm kiếm chiến lược đầu tư thích ứng bối cảnh hiện nay, lựa chọn cổ phiếu để đưa vào danh mục đầu tư… sẽ là vấn đề đáng quan tâm của các nhà đầu tư. Ngoài ra, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm phát triển bền vững TTCK cũng là vấn đề không kém phần quan trọng.
Phân tích tình hình lạm phát, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Yuanta Việt Nam cho rằng, yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát nhiều nhất là vấn đề về giá dầu, đây cũng là giá hàng hóa nằm trong rổ tính chỉ số hàng hóa và chỉ số lạm phát cao nhất. Hiện nay, giá dầu Brent là một trong những loại làm tham chiếu cho các quốc gia nhất là khu vực châu Á, còn giá dầu WTI chủ yếu là của Mỹ. Theo đó, giá dầu Brent đã trải qua nhiều giai đoạn biến động, từ đầu năm đến nay liên tục duy trì đà tăng và hiện dao động ở mức 130 USD/thùng.
Theo chuyên gia của Yuanta Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam vận động khá tương đồng với thị trường chứng khoán Mỹ, khi tại Mỹ có sự sụt giảm thì thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đồng thời định giá thị trường chứng khoán Việt Nam cũng thấp hơn so với thị trường chứng khoán Mỹ là do trong 2 năm 2020-2021, chúng ta vẫn duy trì được chu kỳ tăng trưởng, các doanh nghiệp vẫn được hưởng lợi trong chu kỳ này, trong khi đó, nền kinh tế Mỹ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Chính vì thế mức P/E của thị trường Mỹ cũng cao hơn nhiều so với thị trường Việt Nam.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm nữa đó là về biến động tỷ giá ảnh hưởng thế nào đến dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam. Việc FED nâng lãi suất thời gian qua khiến đồng USD tăng giá, tạo áp lực lên VND và dòng vốn vào các thị trường mới nổi. Tuy nhiên VND là một trong số ít những đồng tiền ít mất giá hơn so với USD, nhờ lượng dự trữ ngoại hối kỷ lục trên 100 tỷ USD. Dù FED nâng lãi suất và USD lên giá, nhưng khối ngoại vẫn không rút ròng, mà ngược lại có xu hướng mua ròng từ tháng 3/2022 đến nay.
“Tuy vậy, rủi ro phá giá vẫn rất cao trong trường hợp đồng USD tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong thời gian tới, cũng như biến động bất thường về địa chính trị, có khả năng khiến tình hình tỷ giá rơi vào trạng thái bị phá giá, thậm chí có thể phá giá thêm 1% vào thời điểm cuối năm nay.
Kịch bản dài hạn cho chứng khoán Việt Nam
Câu hỏi đặt ra là, kịch bản nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn? Ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ, chúng ta có thể thấy bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn lạm phát trên 5% và giai đoạn lạm phát dưới 5%. Đặc biệt là từ sau năm 2013 đến nay, Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ lạm phát thấp dưới 5%. Trong đó, cũng có hai mốc thời gian quan trọng, tiêu biểu là thời điểm tháng 1/2016 mức P/E của chỉ số VN-Index ở dưới 12 lần, thời điểm này khá tương đồng là FED tăng lãi suất và tiền bị rút khỏi nhóm thị trường mới nổi; khi đó tỷ giá VND/USD tăng mạnh.
Mốc thời gian thứ hai là P/E của chỉ số VN-Index cũng dưới 12 lần vào tháng 3/2020, thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 và làn sóng bán tháo diễn ra trên thị trường chứng khoán khắp thế giới.
Ở giai đoạn hiện tại, năm 2022, P/E của VN-Index cũng giảm về mức gần 12 lần. Mức này khá tương đồng với giai đoạn 2016 khi FED tăng lãi suất. Nhưng trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có sự kiểm soát dòng vốn trên thị trường trái phiếu và cả tín dụng chảy vào bất động sản, khiến cho nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản tạo đà giảm. Từ đó dẫn đến thị trường chứng khoán lao dốc mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, P/E của thị trường chứng khoán gần ở mức 12 lần chứng tỏ chúng ta đang lặp lại hai thời điểm lịch sử trước đó, là mỗi khi chỉ số VN-Index có P/E dưới 12 lần là lúc thị trường gần xác lập đáy và thông thường thị trường sẽ có mức tăng mạnh sau đó. Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có định giá thấp và đang trong giai đoạn lạm phát thấp.
Thông thường, thời điểm thị trường phản ứng giảm giá xảy ra vào chu kỳ đầu của việc tăng lãi suất của FED, thường mất khoảng 10% và mất khoảng 2 tháng để các chỉ số có thể lấy lại vùng đỉnh cũ. Với những thống kê đó, cơ hội đầu tư có thể sẽ dần lộ diện... Chuyên gia này cho rằng, cơ hội đầu tư bắt đầu đến dần, tuy nhiên tránh trường hợp lạm phát tăng, lãi suất tăng thì chúng ta phải có những tiêu chí lựa chọn cụ thể đối với các nhóm ngành.
Trước sóng gió lạm phát, có thể lựa chọn các nhóm cổ phiếu hiện có tỷ lệ E/P cao hơn mức lạm phát tiềm năng (4%), ít có tính chu kỳ như nhóm hóa chất, hàng hóa cá nhân và gia dụng, ngoài ra còn các nhóm có tiềm năng tăng trưởng như thực phẩm, đồ uống; điện - nước; xăng dầu - khí đốt và bán lẻ.
Đặc biệt với nhóm cổ phiếu nước, nhóm này vẫn luôn tăng trưởng ổn định trong nhiều năm bất chấp các thời điểm suy thoái kinh tế hay lạm phát rất cao, thì nhu cầu của nhóm ngành nước vẫn rất ổn định”, chuyên gia Nguyễn Thế Minh phân tích.
Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng, đầu tư cổ phiếu vẫn là kênh tương đối tích cực, nhưng nhà đầu tư phải xác định được khẩu vị rủi ro, có chiến lược phù hợp, tiếp cận đa dạng hóa hay đòn bẩy tài chính hợp lý hơn... Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động chủ yếu bởi việc Fed tăng lãi suất, hơn là vì kinh tế vĩ mô của Việt Nam./.