Thị trường chứng khoán: Cần sự kiên định và lựa chọn sáng suốt 

(ĐCSVN) - Thị trường chứng khoán đang chứng kiến nghịch lý khi dư nợ margin (giao dịch ký quỹ) ghi nhận ở các công ty chứng khoán rất cao, trong khi giao dịch thực tế hàng ngày lại rất thấp. Theo nhiều chuyên gia, các tài sản dễ thanh khoản như cổ phiếu bị bán ra đang có xu hướng tăng cao. Điều này gây áp lực lên hầu hết các cổ phiếu, bất chấp tình hình và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Thực tế, áp lực bán cổ phiếu để tạo thanh khoản tiền mặt cũng đã diễn ra một thời gian, và là nguyên nhân khiến thị trường lao dốc liên tục. Do đó, có thể giai đoạn hiện tại nhu cầu này đã giảm đi. Nếu thị trường từ từ cân bằng lại được và không giảm thêm, đó sẽ là tín hiệu tốt cho thấy áp lực thanh khoản đã qua giai đoạn cao nhất trong ngắn hạn.

Minh chứng là trong tuần qua, thị trường chứng khoán một lần nữa phản ứng tích cực với ngưỡng 1.000 điểm, chỉ số VNIndex sau khi giảm xuống mức thấp nhất 962,45 điểm đã phục hồi lên mức 1.027,36 điểm. Tuy vậy, thị trường mới chỉ được đánh giá là bớt tiêu cực vì dòng tiền vào vẫn rất yếu, kết hợp với nhiều số liệu lợi nhuận kém khả quan.

Bối cảnh hiện tại vẫn tập trung vào hai đợt tăng lãi suất kế tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm 2022. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng sớm lãi suất điều hành có thể là một bước đi trước, nhưng tín hiệu quan trọng vẫn là diễn biến tỷ giá. Các nhà đầu tư lớn và tổ chức có rất nhiều kênh đầu tư và khi cần tiền thì họ sẽ bán tài sản dễ bán nhất để giải quyết nhu cầu cấp bách và cổ phiếu là một kênh mà bán khá dễ dàng. Việc rút tiền này đã xảy ra trong nhiều tháng qua và giai đoạn hiện tại nhu cầu này đang ở mức thấp.

Xu hướng của thị trường chứng khoán toàn cầu đang khá tích cực sau khi tạo đáy từ đầu tháng 10 trước kỳ vọng FED sẽ phát đi tín hiệu mềm mỏng hơn trong kỳ họp tháng 11 tới đây. Diễn biến tiêu cực của thị trường Việt Nam trong thời gian này phần nhiều đến từ thông tin xử lý sai phạm của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn liên quan đến thị trường trái phiếu. Nếu yếu tố này không xuất hiện thêm diễn biến mới và chứng khoán toàn cầu tiếp tục phản ứng tích cực với kỳ họp chính sách của FED vào ngày 2/11, tin rằng thị trường Việt Nam đã tạo đáy thành công và phục hồi.

Về vấn đề dòng tiền yếu, thường vùng đáy nhà đầu tư vẫn khá thận trọng nên thanh khoản lúc mới ở vùng đáy sẽ không ở mức cao. Để chắc chắn đáy và có sóng hồi tốt thì cần thêm những phiên tăng tốt và dòng tiền vào mạnh hơn. Sau một đợt sụt giảm mạnh về chỉ số các nhà đầu tư chờ đợi một sóng hồi và không sẵn sàng bán bằng mọi giá ở vùng điểm này. Với diễn biến giảm điểm nhanh ở gần cuối phiên cuối tuần vừa qua khi có thông tin kết quả kinh doanh không khả quan của các công ty ngành thép, giao dịch thị trường tuần này sẽ đối mặt áp lực bán tăng lên và khả năng sẽ test lại mốc điểm 1.000.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng, thị trường đã có phản ứng khá tích cực trong tuần qua. Trong đó, nhiều cổ phiếu có những dấu hiệu “trơ” trước đà giảm của thị trường, với áp lực bán hạ nhiệt đáng kể. Có vẻ như thị trường đang rơi vào trạng thái bên bán đã đuối sức nhưng bên mua thì chưa sẵn sàng, hay nói đúng hơn là thị trường đang hướng tới trạng thái cân bằng tạm thời.

Trong bối cảnh dòng tiền chung thu hẹp, giá cổ phiếu đều giảm theo thị trường sẽ khiến giá trị tài sản ròng (NAV) của nhà đầu tư sẽ giảm, cùng với tỷ lệ cho vay margin trên từng cổ phiếu không có thay đổi nhiều, thì logic bình thường là lượng tiền nhà đầu tư vay đầu tư cổ phiếu phải giảm theo tỷ lệ giảm của NAV.

Trong khi đó, con số thống kê cho thấy lượng margin quý 3 lại tăng so với quý 2, với con số tại 40 công ty chứng khoán đầu ngành thì lượng margin ở quý 3 đã tăng 30.000 tỷ đồng so với con số gần 140.000 tỷ đồng của quý 2. Điều này đang đi ngược lại với logic ở bối cảnh hiện tại, và cho thấy dòng tiền cho vay thông qua margin này rõ ràng đã được rút ra ngoài với tài sản cầm cố là một lượng cổ phiếu của nhóm nhà đầu tư vay phục vụ cho mục đích khác chứ không phải từ lớp nhà đầu tư vay với mục đích giao dịch cổ phiếu bởi NAV của họ đã suy giảm. Nghịch lý thị trường giảm, thanh khoản sa sút nhưng lượng cho vay margin tăng, thì lượng margin tăng lên này có thể đã được luân chuyển ra khỏi thị trường cổ phiếu nhằm giải toả áp lực thanh khoản cho các thị trường khác.

Dòng tiền chung trên thị trường chứng khoán đang bị thu hẹp là bởi sự luân chuyển sang các kênh đầu tư khác, đặc biệt là nhằm xoa dịu căng thẳng thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Theo thống kê, lượng trái phiếu đáo hạn sẽ tập trung lớn vào hai tháng cuối năm, và bối cảnh thanh khoản trên thị trường này đang rất căng thẳng, thì khả năng dòng tiền rút ra khỏi thị trường cổ phiếu thông qua hoạt động cầm cố cổ phiếu để vay margin hay bán cổ phiếu ra vẫn là rủi ro lớn với thị trường chứng khoán.

Đây là rủi ro hiện hữu và thực tế đã phản ánh vào diễn biến điều chỉnh sâu của thị trường thời gian qua. Một trong những yếu tố thuộc nhóm rủi ro liên quan đến thị trường trái phiếu bất động sản, vốn có tầm ảnh hưởng mạnh nhất đến xu hướng thị trường từ đầu năm đến nay và cần được theo dõi chặt chẽ và phân tích cụ thể để có quyết định đúng đắn hơn.

Đơn cử, Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III năm 2022 theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Theo đó, lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 8.739 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 1.571 tỷ đồng. Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản Vingroup đạt 555.571 tỷ đồng, tăng 30% so với thời điểm 31/12/2021, chủ yếu nhờ mở bán thành công các dự án bất động sản mới. Thông tin “sáng” là thế, trong tuần qua, VIC vẫn “đỏ lửa” mất 3 phiên liền.

Hay như cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – một đơn vị chuyên ngành bất động khu công nghiệp và cung cấp dịch vụ tại khu công nghiệp, hiện đang quản lý hơn 5.000 ha đất khu công nghiệp “sạch” trải rộng khắp cả nước. Trong suốt tuần qua, KBC cuốn theo đà sụt giảm chung của thị trường, đặc biệt là của nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, dù trên thực tế, KBC ít bị tác động bởi biến động tỷ giá, áp lực thanh khoản hay đáo hạn trái phiếu… Thậm chí, cổ phiếu này còn được hưởng lợi nhiều khi hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Ngay trong phiên sáng nay, ngày 31/10/2022, khi những thông tin khá sáng sủa về kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 của KBC đã được chính thức công bố, thì áp lực giảm điểm vẫn gia tăng trên vai cổ phiếu này. Trong khi đó, VIC cũng chẳng khá hơn là mấy khi trạng thái giao dịch trong phiên không xanh lơ thì lại... đỏ. Có vẻ như những điểm sáng nội tại rất đáng ghi nhận của các doanh nghiệp này chưa được đánh giá đúng mức và cũng chưa thật sự trở thành động lực tạo sức kéo các cổ phiếu này đi lên.

Mặt khác, việc gia tăng dư nợ ký quỹ tại các công ty chứng khoán so với quý trước nhưng giao dịch trên thị trường không tăng lên cho thấy dòng tiền đang bị rút ra ngoài thị trường khá nhiều. Việc rút tiền nhanh ra thị trường đã tạo ra một đợt sụt giảm mạnh kéo theo làn sóng “margin call” vừa qua. Việc lãi suất tiếp tục tăng dự báo dòng tiền sẽ tiếp tục bị rút ra khỏi thị trường trong thời gian sắp tới. Việc thanh khoản đang thấp và việc công bố thông tin kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp tới đây sẽ gây thêm nhiều áp lực cho thị trường.

Do đó, rủi ro nên nhìn nhận một cách mạch lạc ở từng cổ phiếu riêng lẻ với vị thế và số lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Chất lượng của một số doanh nghiệp đầu ngành, tài sản đi kèm với triển vọng kết quả kinh doanh khá lạc quan - chiến lược mua tích sản các cổ phiếu đang giảm giá sâu như các trường hợp kể trên nên được ưu tiên.

Và, không phải ngẫu nhiên mà khá nhiều chuyên gia lâu năm trong ngành chứng khoán luôn tâm đắc với quan điểm: “không nhìn thị trường chung, không ngại rủi ro và khi đối mặt với rủi ro chúng ta cũng nhìn thấy cơ hội, phần thưởng sẽ chỉ dành cho người có được sự kiên định và sự lựa chọn sáng suốt”.

 
Thủy Phương
174 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 785
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 785
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77416098