Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hội tụ các thương hiệu lớn 

(Chinhphu.vn) - Sự xuất hiện của nhiều thương hiệu bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm kinh doanh quốc tế hàng trăm năm cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều sức hút với các tập đoàn đa quốc gia này.

 

Saigon Co.op tập trung mở rộng hệ thống siêu thị phủ rộng khắp toàn quốc. Ảnh: VGP/Tấn Thanh

Gần đây, hàng loạt thương hiệu bán lẻ “tên tuổi” dồn dập tiến vào vào thị trường Việt Nam như Aeon Mall, Auchan, BigC, Lotteria, Metro, Starbucks, Mc Donald, 7-Eleven, Zara… làm cho cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ngày càng trở nên sôi động.

Không chỉ xâm nhập mà các thương hiệu này tiếp tục tăng quy mô đầu tư và vươn rộng hệ thống bán lẻ của mình ra toàn quốc.

Ví dụ minh chứng rõ nét nhất cho điều này là thương hiệu cà phê Starbucks (tập đoàn đồ uống danh tiếng tại Mỹ đã có mặt tại 64 quốc gia trên toàn cầu) khởi đầu một cửa hàng tại TPHCM năm 2013, chỉ sau 5 năm Starbucks đã phát triển tới 34 cửa hàng tại Việt Nam và dự định sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa với thị trường điểm tại TPHCM.

Thương hiệu Lotte Mart của Hàn Quốc cũng lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020. Đồng thời, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 lớn nhất Hàn Quốc cũng đã bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam với mục tiêu mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc trong thập kỷ tới.

Riêng chuỗi Family Mart của Nhật Bản đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam và dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020. Một hãng bán lẻ nổi tiếng khác từ Mỹ là 7-Eleven cũng đã xâm nhập thị trường Việt Nam vào tháng 6/2017 với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng đến năm 2020 và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm tới.

Đặc biệt, thương hiệu thương mại điện tử Amazon (Mỹ) được mệnh danh là “gã khổng lồ” về mua bán trực tuyến cũng đã tham gia vào Việt Nam với chính sách khởi đầu là chương trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá cho DN nhỏ và vừa.

Không chỉ có sự hiện diện đình đám của các thương hiệu ngoại mà các DN nội của chúng ta đã thể hiện “bản lĩnh” kinh doanh để khẳng định vị thế ngay tại “sân nhà”.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam, khối ngoại tập trung nhiều ở phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Tuy nhiên, họ cũng chỉ mới tập trung phát triển hệ thống và phục vụ khách hàng chủ yếu ở khu vực thành thị.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ nội như Saigon Co.op với mục tiêu phát triển đồng đều cả 3 loại hình đại siêu thị Co.opXtra, siêu thị Co.op Mart, cửa hàng tiện ích Co.op Food đã đón tới 1 triệu lượt khách và VinMart+ đặt mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ có 3.000 cửa hàng trên toàn quốc.

Tính đến nay, Saigon Co.op, thương hiệu được đánh giá là Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam đã phát triển được 100 siêu thị, 2 đại siêu thị và 233 Co.op Food trên toàn thị trường nội địa.

Với tốc độ “Thánh Gióng”, trong năm 2017, thương hiệu này đã phát triển thành công thêm 130 điểm bán mới gồm Co.opmart, Sense City, Co.op Smile, Co.op Food. Trong đó đẩy mạnh mở rộng phát triển mạng lưới Co.op Food tại các tỉnh, thành phố lớn với 16 cửa hàng, và đặc biệt là cho ra mắt 2 mô hình mới Sense Market và cửa hàng tiện lợi Cheers.

“Rõ ràng tại thị trường bán lẻ Việt Nam, các nhà bán lẻ nội vẫn chiếm thị phần cao hơn so với nhà bán lẻ ngoại”, ông Nguyễn Huy Hoàng đại diện Kantar Worldpanel Việt Nam khẳng định.

 

Còn nhiều dư địa của thị trường bán lẻ Việt Nam cho cả DN nội và ngoại. Ảnh: VGP/Tấn Thanh

Còn nhiều dư địa cho cả DN nội và ngoại

Nhận định của The Economist Intelligence Unit (EIU) đã chỉ ra việc tự do hóa ngành bán lẻ khiến Việt Nam trở thành một thị trường cực kỳ hấp dẫn. Bỏ qua sự giảm tốc của Trung Quốc, giống như Ấn Độ, tăng trưởng bán lẻ ở Việt Nam sẽ vượt qua hầu hết các nước khác, đặc biệt là thương mại điện tử.

Hiện nay, cứ 69.000 người dân Việt Nam mới có một cửa hàng tiện ích, trong khi tỉ lệ này ở Trung Quốc là 21.000 người, Hàn Quốc là 1.800 người. Như vậy, dư địa phát triển của thị trường còn rất lớn và với thói quen tiêu dùng của người Việt đang có sự thay đổi nhanh chóng sẽ giúp mô hình bán lẻ hiện đại trở thành “mảnh đất” giàu tiềm năng.

Bên cạnh đó, theo Bảng xếp hạng FAST500 vừa được công bố, bán lẻ là một trong những ngành có tăng trưởng mạnh mẽ nhất ở thị trường Việt Nam. Trong 3 năm, từ 2013-2016, tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ là 63,7%. Trong năm 2017, doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt xấp xỉ 129 tỷ USD, tăng trưởng 11% so với năm trước đó.

Và nhận định của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thuộc giai đoạn 1 của dự án nghiên cứu ngành bán lẻ Việt Nam 2017-2020 (được công bố vào cuối tháng 10/2017) cho thấy, với hơn 90 triệu dân, trong đó dân số đang ở độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ cao cùng với sự phát triển của nền kinh tế đang được đánh giá khá cao trong khu vực, ngành bán lẻ Việt Nam được dự báo là ngành kinh doanh ổn định có mức tăng trưởng nhanh trong 3 năm tới.

Cũng theo phân tích của ông Vaughan Ryan, Tổng Giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam, cả nước có khoảng 600.000 điểm bán lẻ, trong đó kênh bán hàng hiện đại chỉ khoảng 1.200 điểm nhưng chiếm tới 25% thị phần và được dự báo tăng lên 45% vào năm 2020. Theo đó, có tới 34% người tiêu dùng thường xuyên mua sắm tại đại siêu thị, 29% tại siêu thị và 22% người tiêu dùng ở Việt Nam chọn mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini.

Như vậy, dư địa cho thị trường bán lẻ Việt Nam còn khá lớn sẽ được chia đều cơ hội cho cả DN nội và ngoại. Đây là lý do chính thu hút các “ông lớn” của ngành bán lẻ thế giới. Đồng thời cũng là động lực để các DN bán lẻ Việt vươn lên chiếm lĩnh thị trường ngay tại “sân nhà”.

Minh Thi

317 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 876
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 876
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87229099