|
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Có huyện chỉ đạt hơn 1% thi hành xong về tiền
Theo đó, kết quả THADS về tiền trong 6 tháng đầu năm 2019 (được tính từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019), các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội chỉ đạt 8,39%, Hải Phòng chỉ đạt 3,87%, TPHCM đạt 21,2%, Đà Nẵng đạt 25,3%, Cần Thơ đạt 18%, Bình Dương đạt 10%... Cá biệt, có Chi cục THADS cấp huyện có kết quả thi hành án về tiền chỉ đạt hơn 1% như huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương)…
Tuy nhiên, trong bức tranh chung đó, kết quả thi hành xong về tiền của tỉnh Đồng Nai rất ấn tượng, đạt 64,3% (là một trong 5 tỉnh có số lượng án phải thi hành nhiều nhất cả nước).
Tính chung toàn quốc, kết quả thi hành xong về tiền chỉ đạt hơn 18.445 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 16,6%), tăng 3,58% so với cùng kỳ năm 2018.
Trước khó khăn này, tại Hội nghị, ông Mai Lương Khôi, Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS yêu cầu các Cục THADS phải có giải pháp cụ thể và nỗ lực hơn nữa để việc thi hành án về tiền đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra.
Thành lập các đoàn thu hồi tài sản: “Cú huých” cho công tác THADS
Trả lời riêng Cổng TTĐT Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Những tỉnh, thành phố lớn có tỉ lệ thi hành án dân sự về tiền thấp như trên là do có lượng án phải thi hành lớn, có những vụ phải thi hành lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, đứng trước khó khăn này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại các khâu của tiến trình tố tụng như điều tra, truy tố, xét xử với việc chú trọng các biện pháp ngăn chặn, phong tỏa, kê biên tài sản để tránh bị các đối tượng tham nhũng tẩu tán, bảo đảm công tác thu hồi tài sản trong các vụ án.
Về việc, tổng số thụ lý là 660.281 việc (tăng 3,94%) so với cùng kỳ, tổng số phải thi hành là 654.939 việc, trong đó: Số có điều kiện thi hành là 457.824 việc (chiếm 69,9%), số chưa có điều kiện thi hành là 197.115 việc (chiếm 30,1%). Kết quả, thi hành xong 243.028 việc (tăng 1.258 việc), đạt tỉ lệ 53,08% (tăng 0,47% so với cùng kỳ năm 2018).
Về tiền, tổng số thụ lý hơn 197.044 tỷ đồng (tăng hơn 34.091 tỷ đồng và hơn 20% so với cùng kỳ 2018). Tổng số phải thi hành là hơn 190.529 tỷ đồng. Số có điều kiện thi hành là hơn 110.886 tỷ đồng, số chưa có điều kiện thi hành là hơn 79.643 tỷ đồng.
(Nguồn: Tổng cục Thi hành án dân sự)
|
“Đây là “cú huých” quan trọng tạo sự chuyển biến trong hệ thống các cơ quan nội chính chứ không riêng ngành THADS. Ví dự như có vai trò của ngân hàng trong thẩm định giá để cho vay, có vai trò của cơ quan điều tra để phong toả tài sản tránh bị tẩu tán, cơ quan công tố và xét xử cũng nắm được ngay từ đầu để có biện pháp kê biên tài sản của các đối tượng tham nhũng… Qua đây, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với công tác này thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng nhận thức và có nhiều chỉ đạo kiên quyết đối với vấn đề này. Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã xuống làm việc sát sao với các địa phương và hy vọng chỉ tiêu này có chuyển biến khá hơn trong năm 2019.
Án hành chính: Tuyên án nhiều, thi hành chẳng bao nhiêu!
Về kết quả theo dõi thi hành án hành chính, báo cáo của Tổng cục THADS cho biết: Tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho cơ quan THADS 1.057 bản án, quyết định, trong đó có 859 bản án, quyết định không có nội dung phải theo dõi và 415 bản án, quyết định có nội dung theo dõi (kỳ trước chuyển sang là 217 việc, trong kỳ báo cáo là 198 việc). Các cơ quan THADS đã ra văn bản thông báo tự nguyện thi hành án đối với 365 việc; đăng tải công khai 101 Quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 152 vụ việc; có văn bản kiến nghị xử lý đối với 30 trường hợp do vi phạm nghĩa vụ thi hành án. Kết quả: Thi hành xong 103 vụ việc, còn lại 312 vụ việc chưa thi hành xong.
Triển khai thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc thực hiện kiến nghị nêu trên, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch thực hiện kiến nghị, ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn hệ thống THADS, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm thực hiện, chỉ đạo thực hiện đầy đủ pháp luật tố tụng hành chính.
Lê Sơn