Thí điểm triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản an toàn 

(ĐCSVN) - Chiều 13/11 tại Hà Nội, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản thực phẩm an toàn giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – các chủ thể có liên quan.

 

Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn ký kết hợp tác với các đơn vị tham gia triển khai mô hình (Ảnh: BT)

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay, nhu cầu sản xuất và tiêu thụ nông sản đang rất lớn, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở nước ngoài. Với Việt Nam đã có nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch cao như: rau quả, thủy sản,…Trong nước, các doanh nghiệp, tập đoàn, hợp tác xã quan tâm đầu tư đến sản xuất và chế biến. Các Bộ, ngành Trung ương cùng tạo điều kiện, quan tâm đến nông nghiệp, đặc biệt trong liên kết sản xuất.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thách thức lớn nhất hiện nay là việc tăng giá trị gia tăng. Nông nghiệp nước ta chủ yếu là sản xuất thô, vì vậy, bài toán cần đặt ra cần giảm chi phí sản xuất, thời gian làm ra một sản phẩm, điều này chỉ có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mới là lời giải.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, đối với sản xuất nông nghiệp, cần làm thế nào để gắn kết được sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo được chất lượng, mẫu mã và đảm bảo vị thế sản phẩm của Việt Nam. Đồng thời, một vấn đề nữa là hợp đồng trách nhiệm giữa đôi bên, cơ bản cần đảm bảo được lợi ích của các bên tham gia. Từ lợi ích của các bên tham gia tạo thành chuỗi giá trị.

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn Ma Quang Trung, các doanh nghiệp rất muốn liên kết với nông dân nhưng liên kết với từng hộ sẽ rất khó khăn. Doanh nghiệp mong muốn có hợp tác với hợp tác xã để có đầu mối ký kết. Vì vậy, việc triển khai chuỗi rất quan trọng để đánh giá tổng kết và nhân rộng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai Nguyễn Xuân Nhẫn nhấn mạnh, vấn đề đặt ra trong sản xuất nông nghiệp là có sản phẩm lợi thế nhưng không có người sản xuất hoặc sản xuất được sản phẩm nhưng lại không có thị trường tiêu thụ. Đây cũng là vấn đề dẫn đến thiếu liên kết bền vững. Tại tỉnh Lào Cai, đã có một số liên kết, tuy nhiên vẫn chủ yếu là liên kết dọc, chưa có liên kết ngang, giữa người sản xuất và giữa các doanh nghiệp. Hy vọng với việc triển khai mô hình thí điểm sẽ có mô hình khung để triển khai phù hợp.

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Tam – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn cho rằng, rất cần có thêm các chính sách hỗ trợ người nông dân trong sản xuất. Đặc biệt trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, cần có chính sách để hỗ trợ người nông dân trong việc tích tụ ruộng đất, bởi nếu có được những cánh đồng lớn với diện tích khoảng 20-30ha sẽ là giải pháp quan trọng có thể giúp cho nông dân giảm được 50% giá thành sản xuất.

Theo kế hoạch triển khai thí điểm xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – hộ nông dân, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn thống nhất với một số đơn vị, doanh nghiệp triển khai kế hoạch phối hợp xây dựng hợp tác xã, hình thành mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – hộ nông dân trong một số lĩnh vực như: sản xuất và tiêu thụ mía đường; sản xuất, tiêu thụ lúa gạo sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn. Trong đó,về sản xuất và tiêu thụ mía đường: thí điểm xây dựng mô hình hợp tác xã, hình thành chuỗi liên kết tại 5 tỉnh: Thanh Hóa, Gia Lai, Sơn La, Khánh Hòa, Hậu Giang. Tại mỗi tỉnh, sẽ triển khai tại 2 huyện, củng cố thành lập ít nhất 2 hợp tác xã, quy mô trung bình khoảng 200ha/huyện.

Về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thí điểm xây dựng mô hình hợp tác xã, hình thành chuỗi liên kết tại 4 tỉnh: Thanh Hóa, Đắk Lắk, Lào Cai và Nam Định, tại mỗi tỉnh sẽ triển khai từ 1-2 huyện, thành lập ít nhất 2 hợp tác xã, quy mô trung bình khoảng 150ha/huyện.

Về tiêu thụ sản phẩm nông sản, hỗ trợ, củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã nông nghiệp để tham gia phát triển chuỗi nông sản an toàn Việt Nam. Xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản thực phẩm an toàn Việt Nam theo vùng, tiến tới tổ chức thành công hệ thống liên kết trong toàn quốc.

Tại buổi lễ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn đã ký kết hợp tác với các đơn vị: Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam, Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương, Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH MTV Thành Công Gia Lai nhằm cùng thực hiện chương trình xây dựng chuỗi liên kết./.

 

BT

697 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 675
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 675
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87235435