Thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An 

(Chinhphu.vn) – Với 93,21% đại biểu biểu quyết tán thành, sáng 26/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An- Ảnh 1.
 

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An vào sáng 26/6

Trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Cụ thể, ngày 31/5 và ngày 7/6, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự thảo Nghị quyết này. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. 

Theo đó, về tên gọi của Nghị quyết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tên gọi của Nghị quyết thành: "Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An".

Về chính sách hỗ trợ ngân sách giữa các cấp, các địa phương (khoản 2 Điều 3), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định tại Dự thảo Nghị quyết theo hướng mở rộng phạm vi địa bàn của tỉnh Nghệ An được nhận hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố khác.

Theo đó, khoản 2 Điều 3 của Dự thảo Nghị quyết được sửa lại như sau: "Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với các địa bàn, nhiệm vụ cụ thể. Trường hợp hỗ trợ chung cho tỉnh Nghệ An thì việc phân bổ cho các địa bàn cụ thể do Hội đồng nhân dân Tỉnh quyết định, trong đó, ưu tiên cho huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An".

Về chính sách phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Nghệ An (khoản 4 Điều 3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay: Nghệ An hiện là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đang nhận bổ sung cân đối từ NSTW, nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Việc cho phép phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu cho địa phương sẽ bảo đảm tính ổn định, công khai, minh bạch, rõ ràng của chính sách; tạo sự chủ động cho địa phương trong việc cân đối, lập kế hoạch bố trí nguồn lực cho các dự án.

Chính sách này tương tự như chính sách cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 45% so với định mức chi thường xuyên được áp dụng từ năm 2022. Vì vậy, chính sách hỗ trợ thêm nguồn lực đầu tư công cho Nghệ An là cần thiết. Đồng thời, để bảo đảm chủ động, khả thi, phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế của địa phương, khoản 4 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết quy định giao HĐND quyết định danh mục đầu tư từ nguồn tăng thêm này.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư (khoản 2 Điều 4), tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung nội dung "Giữa các kỳ họp của Hội đồng nhân dân" vào khoản 2 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết.

Đối với chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (khoản 5 Điều 4), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính chặt chẽ, cụ thể trong trường hợp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung nội dung trên tại điểm b khoản 5 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết.

Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, về cơ chế chính sách khai thác, phát triển quỹ đất đô thị (Khoản 1 Điều 5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại nội dung này tại khoản 1 Điều 5 Dự thảo Nghị quyết để phù hợp với quy định của Luật Đất đai, cụ thể là: "Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi dự án vùng phụ cận tiếp giáp các điểm kết nối giao thông và các tuyến đường giao thông đô thị trên địa bàn Tỉnh ngoài phạm vi chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch…".

Về sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (khoản 2 Điều 5), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào khoản 2  Điều 5 về trách nhiệm của UBND tỉnh Nghệ An như sau: "Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm về việc sử dụng nguồn kinh phí này đúng mục đích, hiệu quả.".

Về tổ chức thực hiện (Điều 7), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện tại điểm a khoản 1 Điều 7 như sau: "Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; sơ kết 03 năm việc thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2027; tổng kết 05 năm việc thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2029".

Về điều khoản thi hành (Điều 8), một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong Nghị quyết thời hạn áp dụng là 05 năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến các vị đại biểu Quốc hội là xác đáng và đã tiếp thu bổ sung thời gian hiệu lực của của Dự thảo Nghị quyết là 05 năm tương tự các Nghị quyết của Quốc hội đã được ban hành và đã thể hiện lại tại khoản 1 Điều 8 Dự thảo Nghị quyết.

Hải Liên

62 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 823
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 823
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87188193