Theo dõi chặt chẽ diễn biến vùng áp thấp trên khu vực Bắc Biển Đông nhằm chủ động ứng phó.
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: QH)

Theo báo cáo nhanh ngày 11/7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ chiều ngày 10/7 trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa hình thành một vùng áp thấp. Lúc 1 giờ sáng nay, vị trí vùng áp thấp ở khoảng 17,5-18,5 độ vĩ Bắc; 110,5-111,5 độ kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp chưa có dấu hiệu mạnh lên và có xu hướng dịch chuyển chậm về phía Tây.

Cảnh báo, ngày 12-13/7, vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, di chuyển hướng về phía Vịnh Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với vùng áp thấp và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong ngày và đêm 11/7, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-4m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.   

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc Trung Bộ kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh, nên ở Tây Nguyên và Nam Bộ từ chiều tối ngày 10/7 đến 1 giờ sáng 11/7 đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to như tại Đắc Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, Cà Mau,...

Dự báo, từ hôm nay đến ngày 12/7 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông mạnh, trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1.

Về công tác ứng phó với thiên tai, sáng 10/7, Lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp với đại diện Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ hồ Sơn La, Hòa Bình và các đơn vị tư vấn tính toán vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng để xác định kịch bản vận hành phù hợp trong giai đoạn trước mắt và kế hoạch đến 20/7/2018.

Cùng với đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục đôn đốc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thực hiện nghiêm Công điện số 08/CĐ-TW ngày 8/7/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; theo dõi chặt chẽ diễn biến vùng áp thấp trên biển Đông, tình hình mưa dông diện rộng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và cảnh báo mưa vừa, mưa to ở Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thường xuyên phát bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn diện rộng, gió mạnh sóng lớn trên biển; tin về vùng áp thấp trên Biển Đông. Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan báo chí đã kịp thời đưa tin về tình hình thiên tai để người dân và cấp chính quyền chủ động phòng tránh.

Tại các địa phương, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, triển khai các biện pháp ứng phó. Trong đó, ngày 10/7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Đà Nẵng đã có thông báo số 31/TB-PCTT gửi các đơn vị liên quan về vùng áp thấp trên biển Đông để chủ động phòng, tránh.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các bản tin về diễn biến của vùng áp thấp trên khu vực Bắc Biển Đông, cảnh báo gió mạnh sóng lớn trên các vùng biển; tin mưa dông diện rộng ở Tây Nguyên và Nam Bộ để thông báo đến chính quyền và người dân có biện pháp chủ động ứng phó./.

BT