|
Các chiến sĩ quân y vào chi viện cho miền Nam (Ảnh: Vnexpress) |
Những cái ôm, cái nắm tay theo đúng nghĩa giờ đây không còn hiện diện trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng không vì thế mà con người Việt Nam ngừng yêu thương, sẻ chia với nhau. Những hành động ấy giờ đây là những nghĩa cử cao đẹp của tình người, đã xuất hiện trong những ngày dịch bệnh. Hay nói rộng hơn đó là nghĩa đồng bào.
Triệu tấm lòng đang hướng về tâm dịch, những chuyến xe tình nguyện nối đuôi nhau, những chuyến bay chở theo bao trái tim đầy nhiệt huyết và quyết tâm, xông pha đi vào nơi tâm dịch. Xe chở hàng, xe chở người và trên hết là chở những tấm lòng người Việt thương nhau vào chi viện cho miền Nam.
Những ngày này, khác với không khí sầm uất của một thành phố năng động trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh tĩnh lặng hơn rất nhiều. Thế nhưng đây cũng là lúc người ta thấy được cái tình nơi phố thị rõ ràng hơn bao giờ hết. Những ngày dịch bệnh này, khi mà khó khăn đang tràn vào từng con hẻm bé nhỏ, cũ kỹ của thành phố thì cũng là lúc Thành phố Hồ Chí Minh đang đón nhận được thật nhiều những sự quan tâm, thật nhiều những cái ôm ấm lòng từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Có lẽ chính trong nguy khó như hiện nay chúng ta mới thấy rõ hai từ nhân ái trong cốt cách của con người Việt Nam.
Những tình nguyện viên trực tổng đài cấp cứu 115 đã làm việc 24/24 để không bỏ lỡ bất kỳ một cuộc gọi nào của người cần trợ giúp. Họ luôn cố gắng để làm việc hết khả năng của mình bởi họ biết mình chính là mắt xích quan trọng để giữ huyết mạch giữa các phòng tuyến.
|
Những chuyến xe tình nghĩa chi viện cho tuyến đầu chống dịch (Ảnh: VOV) |
Ở nơi tuyến đầu, các chiến sĩ áo trắng cũng đang có những cuộc chạy đua với thời gian. Không có chỗ cho sự lo lắng và đến cả thời gian nghỉ ngơi ăn uống cũng eo hẹp. Những hộp cơm nguội ngắt, những khuôn mặt hằn in vết khẩu trang hay thậm chí có người đã ngất đi vì làm việc quá sức. Thế nhưng không ai chùn bước, họ vẫn ngày đêm chiến đấu không ngừng nghỉ.
Những y tá, điều dưỡng đã vắt sữa của mình để chăm sóc cho các em bé là bệnh nhân COVID-19 nơi mình làm việc. Họ coi những đứa trẻ như đứa con thứ hai của mình để yêu thương và là động lực cố gắng.
Vào tâm dịch ta mới thấy nhiều hơn những tấm lòng nhân ái. Dự án ATM gạo, siêu thị không đồng và rồi ATM oxy. Các bếp ăn thiện nguyện, thầy giáo, cô giáo trở thành tài xế vận chuyển những hộp cơm đến cho từng hoàn cảnh khó khăn. Hay người đàn ông ghi bán rau 5 tỷ/1 bó nhưng sẵn sàng tặng gấp đôi cho những ai khó khăn, cần giúp đỡ.
Những y bác sĩ, học viên của các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện 108… đã khăn gói lên đường vào Nam để cùng đồng bào chung tay chống dịch. Lực lượng quân đội, công an cũng chi viện hàng ngàn chiến sĩ vì mục tiêu duy nhất là đem lại bình yên cho nhân dân.
Tình nghĩa của con người xứ lạ gửi về cho đồng bào nơi tâm dịch còn là những trái bí, bó rau, nải chuối… để chia sẻ cùng người dân thành phố. Rời xa những sân khấu lớn, rực rỡ ánh đèn, “loa kẹo kéo” là nhạc cụ và ghế đá sân bệnh viện là sân khấu biểu diễn của các nghệ sĩ để mang đến thời gian thư giãn cho bệnh nhân và bác sĩ.
Mỗi người có một cách thể hiện tình yêu thương khác nhau gửi về cho Thành phố. Trong những ngày tháng chống dịch lịch sử này chúng ta nhìn thấy được tình yêu thương, sự sẻ chia khi mà cả nước đang dang tay “ôm” Thành phố Hồ Chí Minh vào lòng.
Ai cũng biết rằng khi đối diện với COVID-19 thì vaccin + 5K sẽ là công thức để chiến thắng đại dịch. Thế nhưng ngày hôm nay, có lẽ cần bổ sung thêm yếu tố khác đó chính là tinh thần lạc quan và nghĩa đồng bào.
Chỉ có như vậy đại dịch kia mới được đẩy lùi, để những đứa trẻ lại được quay trở lại trường học. Để chúng ta lại thấy muôn nơi với những nhịp sống hối hả, tràn đầy sức sống, những nụ cười, những cái bắt tay nồng nhiệt, những cái ôm gần gũi và yêu thương.
Lê Thủy