|
Tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi dài gần 140km. |
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ vừa có văn bản gửi các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi về việc hỗ trợ tổ chức lễ thông xe đoạn cao tốc Tam Kỳ - Quảng Ngãi vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào ngày Quốc khách 2/9 tới.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương hỗ trợ an ninh trật tự, phân luồng giao thông, thông xe và đưa đoạn tuyến WB vào khai thác.
Đại diện Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho hay, dự án cơ bản hoàn thành và sẵn sàng thông xe đoạn tuyến cao tốc Tam Kỳ - Quảng Ngãi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải.
Hiện các phần việc trên tuyến chính dự án được hoàn thành từ tháng 7/2018. Đến ngày 27/8, việc đóng hộ lan cuối cùng tại Km 116+300 (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) hoàn thiện, chính thức đóng toàn bộ tuyến chính. Các hạng mục rào chắn, đường gom dân sinh tại những vị trí đảm bảo mặt bằng, khu dân cư được triển khai đồng bộ, đảm bảo an toàn khi khai thác...
Vừa qua, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng vừa kiểm tra hiện trường, đánh giá đoạn tuyến cao tốc vốn WB đủ điều kiện khai thác.
Ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư dự án) cho biết, các đơn vị tham gia dự án đã vượt qua điều kiện thi công bất lợi, tập trung thi công, kiểm soát tiến độ và chất lượng, đưa toàn tuyến công trình cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào khai thác đồng bộ, sớm phát huy hiệu quả dự án.
Trước đó, ngày 2/8/2017, đoạn tuyến vốn JICA (Đà Nẵng - Tam Kỳ) được thông xe, đưa vào sử dụng. Với việc thông xe toàn tuyến này, các phương tiện chỉ mất chừng gần 1 tiếng 30 phút để đi Đà Nẵng - Quảng Ngãi, rút ngắn gần 1 tiếng 30 phút so với việc di chuyển trên Quốc lộ 1, đồng thời phân lưu, giảm tải cho Quốc lộ 1, đảm bảo an toàn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài gần 140 km, được chia làm 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) hơn 34.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 798,5 triệu USD và vốn vay Ngân hàng Thế giới hơn 590 triệu USD.
Trước đó, ngày 1/9, tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng sẽ chính thức khánh thành, thông xe đưa vào vận hành.
Tuy nhiên, theo phương án tổ chức giao thông được quy định trong Quyết định ngày 27/8 của UBND tỉnh Quảng Ninh, các phương tiện chưa chạy với tốc độ tối đa 100km/giờ theo chuẩn thiết kế của dự án.
Thay vào đó, các phương tiện chỉ được phép chạy với tốc độ tối đa là 80km/giờ cho cả 2 làn xe chạy trên mỗi hướng đi, tốc độ tối thiểu là 60 km/giờ. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa các xe được quy định là 55m đối với tốc độ 80km/giờ và 35m đối với tốc độ từ trên 60km/giờ.
Người tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng không bị mất phí đường bộ bởi dự án này có vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, song sẽ mất phí cầu Bạch Đằng vì cây cầu này được đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư – khai thác – chuyển giao).
Trạm thu phí cầu Bạch Đằng sẽ đặt ở ở lý trình km20+660, gồm 8 làn xe; trong đó có 2 làn (hai bên dải phân cách giữa) sử dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, 4 làn ở giữa tiếp theo sử dụng công nghệ thu phí tự động không dừng kết hợp với một dừng và 2 làn thu phí ngoài cùng sử dụng công nghệ thu phí một dừng.
Dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng có tổng chiều dài toàn tuyến 25,2km với vận tốc thiết kế toàn tuyến là 100km/giờ. Dự án nằm trong quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016.
Tổng mức đầu tư của hai dự án là 13.693 tỷ đồng; trong đó dự án đường nối Hạ Long với cầu Bạch Đằng là 6.416 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách; dự án cầu Bạch Đằng là 7.277 tỷ đồng gồm vốn ngân sách 488 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn) và vốn nhà đầu tư là 6.789 tỷ đồng (theo hình thức BOT).
Thanh Hằng