Thêm nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh 

(Chinhphu.vn) – Nhiều địa phương đang triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Ảnh minh họa

Quảng Nam đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện

Ngày 22/8, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng tổ chức triển khai kế hoạch khảo sát Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.

 Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh gồm 10 chỉ số thành phần, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh như: chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; chỉ số minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của lãnh đạo; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý; chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin.

Tỉnh Quảng Nam sẽ triển khai đánh giá đối với 20 sở, ban ngành và 18 UBND huyện, thị xã, thành phố, với sự tham gia khảo sát của hơn 1.100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Nam luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất. Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa ổn định, thiếu tính bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết, việc thực hiện khảo sát Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh là cơ hội để nhận diện, tự soi, tự sửa và khắc phục  hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao của các đơn vị.

Đồng thời, đây cũng là kênh thông tin quan trọng để doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến cụ thể đối với các cơ quan và chính quyền địa phương liên quan. Bộ chỉ số này được kỳ vọng là công cụ truyền lửa “cải cách” mạnh mẽ từ tỉnh xuống cơ sở, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo chuẩn mực đối với chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền.

Tỉnh Quảng Nam sẽ công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban ngành và địa phương của tỉnh vào tháng 3/2019.

Đắk Nông đối thoại với doanh nghiệp

Cùng ngày, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ II năm 2018 với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định doanh nghiệp là động lực quan trọng trong sự phát triển và tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên tinh thần tích cực, kịp thời và hiệu quả. Thời gian qua, Đắk Nông đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp như: trực tiếp nhận văn bản qua các buổi đối thoại, làm việc trực tiếp tại các buổi cà phê doanh nhân sáng thứ 5 hàng tuần...

Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông đã tiếp nhận, tổng hợp, xử lý và chuyển 104 ý kiến, kiến nghị của hơn 50 doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuộc các sở, ngành quản lý như: Tài nguyên & Môi trường, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Ngân hàng, Thuế và đến cuối tháng 7/2018 đã có 89 ý kiến được trả lời.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính trong hoạt động đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép xây dựng; thủ tục giao đất, cho thuê đất; giải quyết các tranh chấp đất đai trong vùng dự án…

Ông Thạch Kim Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thạch Lợi (huyện Đắk Mil) kiến nghị cần có cách tính thuế tài nguyên đối với việc khai thác, sản xuất đá xây dựng để không gây thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Nho Lý, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu An Phong (huyện Đắk R’lấp) đề nghị tỉnh cần kêu gọi thêm các ngân hàng thương mại về đầu tư tại tỉnh vì Đắk Nông có rất ít ngân hàng khiến nguồn vốn cho các doanh nghiệp và người dân khá ít, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại Hội nghị, hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp đều được lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Đắk Nông giải đáp gắn với các quy định của pháp luật. Ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các sở, ngành trong quá trình giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp cần có văn bản và xử lý dứt điểm. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết một cách nhanh nhất hoặc kiến nghị lên Trung ương để điều chỉnh, bổ sung.

Quảng Ninh đặt mục tiêu duy trì vị trí số một

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, năm 2018, địa phương giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt được; trong đó, tổng điểm phấn đấu tăng 5,56 điểm so với năm 2017 trong điều kiện các địa phương trên cả nước có nỗ lực để vươn lên.

Năm 2017, tỉnh Quảng Ninh lần đầu vươn lên dẫn đầu toàn quốc về PCI và cải cách hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, nhất là cán bộ chủ chốt phải quán triệt, truyền lửa đến cán bộ, công chức, viên chức trong toàn đơn vị, không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được mà phải tự đổi mới, đưa ra những giải pháp sáng tạo, hiệu quả để đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, Kế hoạch số 2614/KH-UBND ngày 17/4/2018 của UBND tỉnh đã đề ra.

Các cơ quan được giao chủ trì các chỉ số thành phần và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh được phân công phải có những giải pháp hết sức tích cực nhằm cải thiện các chỉ số được giao, nhất là các cơ quan có các chỉ số thành phần cần tập trung cải thiện nhanh, như: Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, Tiếp cận đất đai.

Ông Long yêu cầu Trung tâm hành chính công các cấp phải giải quyết thủ tục hành chính nhanh nhất cho người dân, doanh nghiệp trên tinh thần 4 tại chỗ “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại chỗ”. Các địa phương, sở, ngành phải kết nối thông tin, nâng cao tính minh bạch, công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các cổng thành phần.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tốt với sở, ngành, địa phương trong thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; định hướng cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, xuất nhập khẩu, nông nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hình thành các cụm công nghiệp…

Trong 7 tháng năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh duy trì đạt và vượt so với kết quả đã đạt được trong năm 2017.

Cụ thể: Chỉ số cải thiện thứ hạng khởi sự kinh doanh rút ngắn 50% thời gian toàn bộ thủ tục liên quan đến gia nhập thị trường; Chỉ số đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan không quá 52 ngày; Chỉ số đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và cải thiện thứ hạng Tiếp cận điện năng không quá 24 ngày;

 

Chỉ số đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội; Chỉ số đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí giao dịch thương mại qua biên giới…

461 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1257
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1257
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87109430