|
Hình ảnh tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Lê Anh |
Đây là thông tin được đưa ra tại diễn đàn “Nâng cao năng suất - tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu” diễn ra ngày 27/10 tại TPHCM do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI-HCM) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức. Diễn đàn nhằm chia sẻ thêm các thông tin, góc nhìn về cơ hội và thách thức đối với các DN nhỏ và vừa của Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo nhận định của ông Brian Mtonya, Chuyên gia kinh tế cấp cao Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt việc thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với sự thay đổi về chính sách tiền lương gần đây, việc cạnh tranh thông qua ưu thế về nguồn lao động dồi dào với chi phí thấp không còn được coi là ưu thế của DN Việt Nam.
Thay vào đó, ông cho rằng, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm đóng vai trò quyết định tới khả năng cạnh tranh của DN. Đặc biệt, đối với các DN vừa và nhỏ (SMEs). Việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi mỗi DN không ngừng tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh hạn chế nhiều về nguồn lực công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong chiến lược nâng cao năng lực cho DN Việt để tham gia tích cực và có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc trang bị các điều kiện cần thiết giúp DN giữ vững được thị trường trong nước cũng như tham gia thành công vào thị trường xuất khẩu được Chính phủ, các Bộ ban, ngành, các hiệp hội và bản thân các DN ưu tiên chú trọng đầu tư.
Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của ILO, từ năm 2011, VCCI-HCM đã phối hợp với Dự án SCORE của ILO triển khai các chương trình đào tạo, tư vấn giúp cho DN nhỏ và vừa trong ngành chế biến gỗ tại các tỉnh Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai, Long An và TPHCM.
Tính đến nay, chương trình đã hỗ trợ cho trên 140 DN trong lĩnh vực chế biến gỗ, gần 30 DN cơ khí và dệt may với nhiều kết quả tích cực như: 91% DN tham gia tiết kiệm được chi phí sản xuất; 61% DN áp dụng được phương pháp cải thiện giao tiếp tại nơi làm việc; giảm 29% lỗi trên dây chuyền sản xuất; giảm 42 % tỉ lệ thôi việc của nhân viên. Bên cạnh đó, chương trình cũng giúp nâng cao hơn nữa vai trò của các hiệp hội DN tại địa phương.
Với những thành quả đang khích lệ đó, lãnh đạo VCCI cho biết, chiến lược phát triển trong giai đoạn tiếp theo của chương trình SCORE là mở rộng đối tượng hỗ trợ sang nhiều lĩnh vực sản xuất khác như công nghiệp phụ trợ, may mặc, da giày, chế biến thực phẩm, điện-điện tử… thông qua việc áp dụng phương pháp và kinh nghiệm đào tạo SCORE đã được phát triển và cải tiến trong giai đoạn 2011-2017.
Nhân dịp này, một cuộc triển lãm về thành quả cải tiến mà các DN nhỏ và vừa đã đạt được khi tham gia áp dụng chương trình đào tạo SCORE cũng được tổ chức nhằm chia sẻ những kinh nghiệm và thực hành tốt của chương trình đến rộng rãi cộng đồng DN.
Lê Anh