Ngay từ khi mới ra đời, Ðảng ta đã chủ trương thực hiện “Nam, nữ bình quyền”. Ðiều 9, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 khẳng định: “Ðàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện” và ghi trong Cương lĩnh đầu tiên của mình: “Nam nữ bình quyền”. Đảng cũng sớm nhận rõ phụ nữ là lực lượng góp phần to lớn làm nên thắng lợi của cách mạng. Chính lẽ đó, Đảng đã đề ra nhiệm vụ giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và xúc tiến sớm việc thành lập tổ chức cách mạng riêng cho phụ nữ để thu hút các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập.
Bôn ba trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã không chỉ đồng cảm mà còn đanh thép tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với phụ nữ xứ thuộc địa: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược, ngoài phố, trong nhà, giữa chợ, hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan lại cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga”(1). Không chỉ có ách áp bức thực dân, mà lễ giáo phong kiến cũng coi người phụ nữ là những phận người hèn mọn, hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn xác định vai trò to lớn của phụ nữ. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (năm 1927), Người viết: “Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Bác khẳng định:“Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”(2). Và, “những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”(3).
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trong hoàn cảnh bị tù đày và khi đã là lãnh tụ cách mạng, Người cảm nhận sâu sắc thân phận của người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nhất là chịu ảnh hưởng của ách đô hộ, áp bức của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thật sự đem lại lợi ích cho con người, trong đó phụ nữ được chăm lo, được giải phóng. Đó cũng là công việc quan trọng trong công cuộc kiến thiết nước nhà, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo Người, muốn làm được điều đó, “phụ nữ cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử”(4).
Trước lúc đi xa, trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dành nhiều tình cảm và trách nhiệm đối với phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Tư tưởng đó của Người chứa đựng cả một định hướng chiến lược lâu dài về công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ.
Ngay từ những ngày đầu khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ ở Việt Nam, phụ nữ đã tham gia vào các phong trào chống Pháp như Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp như khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, của Hoàng Hoa Thám.v.v... Nhiều phụ nữ đã tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng như Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Nguyễn Thị Minh Khai... Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo đã thu hút đông đảo phụ nữ tham gia.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng triệu phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng vạn, hàng nghìn anh hùng, liệt sĩ là nữ mà tên tuổi của họ còn ghi mãi trong sử vàng dân tộc. Tên tuổi của những nữ anh hùng Võ Thị Sáu, Út Tịch, Lê Thị Hồng Gấm, Mạc Thị Bưởi, Mẹ Suốt, 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc... đã hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mãi mãi khắc ghi trong tấm lòng của mỗi người Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa, song vẫn còn đó những nỗi đau nhuộm trắng mái đầu những người mẹ, người vợ... và cũng chính những con người đó lại vững vàng trong xí nghiệp, nhà máy, trên đồng ruộng và chăm chút từng trang giáo án... để xóa đi những dấu vết chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới.
91 năm qua, sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Tháng 11/2006, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007; Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” thể hiện rõ quan điểm của Ðảng trong tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ phát triển toàn diện. Những năm qua, công tác bình đẳng giới ở nước ta đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận. Với hơn 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cần cù, không ngại gian khó, vượt lên đói nghèo, lạc hậu, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, tham gia quản lý nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tỉ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng tăng. Những nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây luôn có cán bộ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng; tỉ lệ nữ trong Quốc hội chiếm gần 27%. Theo thống kê của Liên minh nghị viện thế giới, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu Quốc hội đạt 26,8%, tăng 2,71% so với khóa XIII. Lần đầu tiên ở Việt Nam, Quốc hội khóa XIV có nữ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động nữ tham gia nhiều ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới; trong khoa học, công nghệ phụ nữ tham gia gần 40% và tỉ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%. Và Việt Nam thuộc nhóm các nước có thành tựu về bình đẳng giới tốt nhất khu vực Đông Nam Á.
Phụ nữ Việt Nam, bằng vẻ đẹp và cái đẹp của chính tâm hồn mình đã góp phần đặc biệt dệt gấm, thêu hoa, làm nên vẻ đẹp và sức sống diệu kỳ ngàn đời cho dân tộc Việt Nam. Họ là những “Bông hoa đẹp” trong vườn hoa khoe sắc thời hội nhập. Người nói: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Nguyễn Thanh Hoàng
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.2, tr.105
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.2, tr.112, tr.288, tr.974
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.313
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.37