COVID-19 đã đẩy Việt Nam vào hoàn cảnh khó khăn chưa từng có tiền lệ. Hoàn cảnh chưa có tiền lệ cũng đòi hỏi phải những giải pháp linh hoạt, chưa có tiền lệ.
Ngay tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, Quốc hội đã bổ sung vào chương trình làm việc nội dung liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19. Đây là trường hợp đặc biệt trong tình huống cấp bách, nên việc giải quyết cũng theo trình tự rút gọn, đặc biệt. Quốc hội cũng thống nhất quyết nghị các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, có hiệu quả hơn, kể cả khi có các tình huống phức tạp hơn có thể diễn ra.
Quyết sách kịp thời này cho thấy Quốc hội đã lắng nghe hơi thở của cuộc sống, bám sát yêu cầu thực tiễn, hành động nhanh nhạy, kịp thời, chia sẻ, sát cánh, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, Chính phủ và các cơ quan hữu quan vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân. Hơn nữa, cũng đáp ứng nguyện vọng, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cử tri cả nước.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp khẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ chiều 6/8 (Ảnh: QH) |
Tiếp tục khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm cao, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để kịp thời cụ thể hoá, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tối 5/8, Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đồng chí Chủ tịch Quốc hội đề nghị tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV. Tiếp đó, ngay ngày 6/8, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có văn bản đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ khác với quy định của luật.
Cũng với tinh thần tích cực, khẩn trương, đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc liên tục không quản ngày đêm để cho ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Ngay cuối giờ chiều 6/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp khẩn để cho ý kiến và đã thống nhất ban hành Nghị quyết về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Có thể nói, việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết này là rất cần thiết, kịp thời, sẽ tháo gỡ những nút thắt lớn. Điều quan trọng, Chính phủ có thêm “vũ khí" trong cuộc chiến chống COVID-19.
Cụ thể, sẽ có một số quy định khác với quy định của các luật hiện hành gồm Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 sẽ được áp dụng. Các quy định này gồm: Quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động; Giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch; Giao Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
Đối với đề nghị quy định việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị COVID-19; đối với các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định Luật Bảo hiểm y tế và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Chính phủ đã rất khẩn trương nghiên cứu, ban hành Nghị quyết để cụ thể hoá một bước các nhiệm vụ được trong Nghị quyết của Quốc hội. Dù vậy, đây chỉ là một trong các văn bản để đưa Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống. Chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc để làm trong thời gian tới.
Trong phiên họp bất thường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cuối giờ chiều qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã đề nghị thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành các văn bản phân định rõ những nội dung thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ; xem xét phân cấp mạnh hơn cho địa phương, nhất là trong tổ chức thực hiện.
“Những vấn đề liên quan đến khung chính sách thì dứt khoát phải thống nhất. Trong điều kiện tình trạng khẩn cấp thì lãnh đạo, chỉ đạo một cách tập quyền là hết sức cần thiết nhưng trong khâu tổ chức thực hiện, hoặc những vấn đề mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thì phải đặc biệt tránh câu chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu./.
Tú Giang