Thế nào là DN tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền? 

(Chinhphu.vn) - Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến” hoặc các biện pháp phòng chống dịch khác, buộc phải dừng hoạt động sản xuất-kinh doanh thì được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

 

Bà Phạm Oanh hiện sinh sống và làm việc tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ kể từ 00h00 ngày 14/7/2021. Tổng số ngày nghỉ của bà thực tế là 70 ngày và có thể hơn nếu tiếp tục giãn cách.

Vừa qua ngày 19/8/2021, bà có làm hồ sơ xin nhận hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cho nhân viên công ty trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và được bên BHXH xác nhận mẫu 05 và gửi lại lên Cổng dịch vụ công theo đúng quy trình để các cấp liên quan tiếp tục xử lý.

Sau khi đợi khá lâu mà không nhận được phản hồi từ phía UBND TP. Vũng Tàu cũng như UBND tỉnh, bà có gửi phản ánh kiến nghị và sau đó được trả lời bằng Công văn số 6533/UBND-LĐTBXH rằng hồ sơ của công ty bà không được chấp nhận với lý do không có cơ sở chứng minh tại thời điểm doanh nghiệp nghỉ ngày 14/7/2021 là do yêu cầu từ phía cơ quan nhà nước, nghĩa là do doanh nghiệp bà tự ý nghỉ thì sẽ không được hưởng trợ cấp.

Theo Công văn số 8415/UBND-VP của TP. Vũng Tàu khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn toàn thành phố có nêu chỉ các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh hàng hóa thiết yếu và các doanh nghiệp bổ trợ mới được tiếp tục hoạt động, như thế tức là các doanh nghiệp khác không thuộc các doanh nghiệp trên mặc nhiên phải dừng. Bà Oanh thắc mắc, tại sao cán bộ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Vũng Tàu lại trả lời doanh nghiệp như vậy?

Nếu công ty bà tiếp tục hoạt động thì các cơ quan chức năng có phạt hay không, và cái quan trọng là có doanh thu hay không khi mà mọi người dân đều được yêu cầu ở nhà và chỉ ra đường khi thật cần thiết như khám bệnh hoặc mua lương thực...  trong khi doanh nghiệp của bà chỉ kinh doanh lắp đặt và sửa chữa máy điều hòa không khí chỉ với 4 nhân viên, nếu tiếp tục mở cửa thì càng gặp khó khăn nhiều hơn khi mà phải đáp ứng yêu cầu phải có xe đưa đón, xét nghiệm định kỳ, hoặc phải đáp ứng "3 tại chỗ"?

Theo bà Oanh, không riêng doanh nghiệp của bà Oanh mà hầu như các doanh nghiệp khác cũng gặp trường hợp tương tự. Bà Oanh đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Về vấn đề này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, điều kiện người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ là tạm hoãn hợp đồng lao động từ 15 ngày trở lên; có đóng bảo hiểm xã hội tháng liền kề trước thời điểm tạm hoãn hợp đồng lao động làm việc tại các doanh nghiệp, dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là điều kiện tham chiếu.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến” hoặc các biện pháp phòng chống dịch khác (theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tại Văn bản số 107/CV-BCĐ ngày 18/7/2021 và chỉ đạo của các địa phương), buộc phải dừng hoạt động sản xuất-kinh doanh trong thời gian thực hiện quy định này thì được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

Đề nghị doanh nghiệp của bà Phạm Oanh liên hệ với UBND TP. Vũng Tàu để được hướng dẫn thêm.

Chinhphu.vn
211 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1157
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1157
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87181436