Thầy thuốc của dân bản 

Biên phòng - Người dân ở các thôn Trầm, Cóc, Bù, Ngược… (xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã quen gọi Thiếu tá Lê Văn Đức với tên gọi thân thương là “bác Đức”. Khoác lên mình chiếc áo blu, người cán bộ mang quân hàm xanh này là thầy thuốc cho đồng bào Vân Kiều trên các bản làng của miền Tây Quảng Trị.
izu7_10b

Thiếu tá Lê Văn Đức chăm sóc vườn thuốc nam ở Phòng khám quân dân y kết hợp Sa Trầm. Ảnh: Lê Minh Hà

22 năm lặn lội khắp bản làng

Vượt gần 50km từ thành phố Đông Hà đến cầu treo Đakrông, chúng tôi tìm đường đến với Đồn Biên phòng Sa Trầm. Con đường gần 20km quá nhọc nhằn. Đoạn 11km từ thôn Đá Bàn lên Trầm, con đường lắm dốc, lắm đá và lắm mây... Đồn Biên phòng Sa Trầm hiện ra trước mắt chúng tôi với khói sương mờ ảo. Thiếu tá Lê Văn Đức đón chúng tôi ở Phòng khám quân dân y kết hợp Sa Trầm với nụ cười đôn hậu.

“Cách đây 22 năm, khi đặt chân đến Đồn Sa Trầm làm công tác quân dân y, tôi nghe nhiều người nói đại ý rằng, để hiểu được tâm tư của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô khó như đi vào rừng. Vận động được đồng bào khi ốm đau, bệnh tật đến trạm y tế để khám chữa bệnh mà không mổ trâu, bò, lợn cúng giàng, cúng ma, còn khó hơn trèo lên đỉnh núi cao... Biết là khó khăn như vậy, nên tôi quyết tâm chữa lành nhiều căn bệnh giản đơn đã từng cướp đi sinh mạng của nhiều người dân ở các bản làng, bởi bà con quá tin vào cúng bái chữa bệnh...” - Lê Văn Đức tâm sự với chúng tôi.

Trong suốt hành trình băng rừng, bạt núi của mình để mang lại sức khỏe cho đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, Thiếu tá Lê Văn Đức không quản ngại khó khăn đi khắp bản làng vận động đồng bào chăm sóc sức khỏe, ăn, ở hợp vệ sinh, tẩm màn chống sốt rét... và khám chữa bệnh cho đồng bào. Những trường hợp ốm đau, bệnh tật mà người nhà không thể mang bệnh nhân đến Phòng khám quân dân y kết hợp Sa Trầm, Lê Văn Đức lập tức mang túi thuốc lên đường đến tận nhà để thăm khám, cứu chữa: “Bác Đức thương dân bản lắm. Bà con đau, bác tận tình giúp đỡ. Thuốc Biên phòng tốt lắm. Uống vào là khỏi bệnh. Từ nay, nhà miềng có người ốm đau là miềng đưa đến trạm y tế, không mời thầy mo cúng giàng, cúng ma nữa” - Pỉ Keng, một người dân địa phương tâm sự với chúng tôi hết sức hồ hởi. Chỉ câu nói đó của bệnh nhân cũng đủ thấy được sự đổi thay trong nhận thức của đồng bào.

Thiếu tá Lê Văn Đức chia sẻ: “Những năm tháng sống ở đồn, đi khám chữa bệnh cho bà con Vân Kiều, Pa Kô, tôi thấy mình thực sự hạnh phúc. Công việc khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chỉ tạm thời gián đoạn khi cuối năm 2002, tôi về làm Trợ lý Quân y, Ban Quân y BĐBP Quảng Trị. Năm 2006, tôi được điều động tăng cường về Trạm y tế xã A Dơi (huyện Hướng Hóa) với chức danh Trạm phó. Ở đây, tôi lại có những ngày cùng các y, bác sĩ Trạm y tế xã A Dơi lặn lội đến từng bản làng triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng; chương trình phòng chống lao, tâm thần, sốt rét, các loại bệnh lây truyền theo mùa và trực tiếp khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Khó khăn thì có nhiều, nhưng được chăm lo cho bà con thì vượt qua được hết. Mục tiêu của tôi là giữ gìn sức khỏe cho bà con, thấy bà con khỏe, bản làng yên vui là ưng rồi. Năm 2013, tôi về Ban Quân y BĐBP tỉnh, đầu năm 2016, lại về Phòng khám quân dân y kết hợp Sa Trầm”.

Thiếu tá Lê Văn Đức cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2016, Phòng khám quân dân y kết hợp Sa Trầm đã khám chữa bệnh cho 700 lượt người của các bản làng trên địa bàn xã Tà Long, Ba Nang (huyện Đakrông); 193 lượt người từ các bản làng A Sóc, Rạ, Hồ Tà Riệc (huyện Sa Muồi, tỉnh Sa-la-van, Lào). Nhiều loại bệnh mà bà con thường mắc phải như sốt rét, dịch tả, cảm sốt, bệnh phụ khoa, bệnh dạ dày, đường tiêu hóa... luôn được các y, bác sĩ của Phòng khám quân dân y kết hợp Sa Trầm tận tình cứu chữa.

Những kỷ niệm không quên

Khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm buồn, vui trong những năm tháng gắn bó với núi rừng, với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, Thiếu tá Lê Văn Đức nói rằng: “Sống, làm việc trên mảnh đất này có quá nhiều kỷ niệm. Nhất là tấm lòng của bà con dân bản đối với bộ đội. Với lính Biên phòng thì tấm chân tình của người dân thôn bản càng trở nên sâu đậm. Mỗi khi đi mô là dùng dằng nỏ muốn đi”.

af73_10a

Thiếu tá Lê Văn Đức trên đường về bản để khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc Pa Kô. Ảnh: Lê Minh Hà

Thiếu tá Lê Văn Đức kể với chúng tôi: “Năm 2006, tôi về Phòng khám quân dân y kết hợp Sa Trầm được vài tháng. Một buổi chiều, đang thăm khám cho bệnh nhân thì có một thanh niên người dân tộc Pa Kô dẫn theo đứa con trai đến tìm. Cứ tưởng là bệnh nhân nên tôi ân cần bảo người thanh niên đó ngồi chờ để tiếp tục khám bệnh cho mấy người đến trước. Người thanh niên đó cười rồi hỏi tôi có nhận ra ai không? Tôi nhìn hồi lâu nhưng vẫn không tài nào nhận ra. Người thanh niên cầm tay tôi rồi giới thiệu: “Bộ đội không nhớ ra miềng à. Miềng ở bản Đá Bàn. Miềng là đứa bé ngày xưa trèo cây bị ngã rồi được bộ đội cứu chữa đây mà...”.

Đó là buổi trưa hè khoảng năm 1999, khi anh đang trực ở Phòng khám quân dân y kết hợp Sa Trầm thì có người dân hốt hoảng chạy đến nhờ cứu chữa cho con trai mình. Không kịp ăn cơm trưa, Lê Văn Đức vội vàng khoác túi thuốc theo chân người đó. Đến nơi, anh thấy đứa con trai của người này đang nằm dưới gốc cây to cạnh suối, máu me bê bết ở “vùng kín”. Hóa ra, đứa bé do trèo cây bị ngã, rách “vùng kín”.

Sau khi làm sạch vết thương rồi khâu lại, Lê Văn Đức đưa thuốc,  bông băng, cồn sát trùng và ân cần dặn dò  cách thức chăm sóc vết thương cho đứa bé. Anh về Phòng khám quân dân y kết hợp Sa Trầm thì đã xế chiều. Cậu bé cứ lớn dần lên với mặc cảm là “sẽ không có con”, nên sau này cưới vợ, sinh được đứa con đầu lòng, đã nhớ đến người cứu chữa cho mình ngày xưa. Anh đã đặt tên cho đứa con trai đầu lòng là Pả Đức để nhắc nhớ đến công ơn của Lê Văn Đức.

Đến bây giờ, dấu chân Thiếu tá Lê Văn Đức in khắp các bản làng như Trầm, Cóc, Tà Mên, Bù, Ngược, A La , Tà Rẹc, Ba Nang, Đá Bàn (xã Ba Nang) rồi Kè, Vôi, Pa Hy, Tà Lao, A Đu, Sa Ta, Chai, Pa Ngay, Ly Tôn (xã Tà Long, huyện Đakrông) của miền đất phên giậu Tổ quốc. Với anh, khi khoác lên người chiếc áo blu trắng thì dù đèo cao, vực sâu cũng không ngăn được bước chân đến với người bệnh đang chờ.

Lê Minh Hà

586 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 754
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 754
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76375074