Bạn của chúng tôi, cô Thùy Trang, giáo viên Trường PTTH Chuyên Lê Quý Đôn, TP Đông Hà (Quảng Trị) kể về thầy Lượng bằng sự mến mộ vô cùng. Sau nhiều lần gọi điện, thuyết phục, thầy Lượng mới đồng ý để chúng tôi gặp, tìm hiểu về các kết quả học tập và dạy học của thầy, nhất là việc từ một giáo viên trường làng, lại dạy học sinh bậc tiểu học, đã thi đỗ và trở thành Giám khảo Quốc tế chấm thi vấn đáp tiếng Anh Cambridge.
Tuy nhiên, chúng tôi không đến Trường tiểu học Vĩnh Chấp mà đến trường THCS xã này nằm sát bên. Thầy giáo Mai Khanh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Chấp cho biết, hằng tuần thầy Lượng đều dạy tăng cường ở đây, do bên tiểu học không đủ tiết theo quy định của nhà nước để hưởng lương.
Tuổi thơ vất vả
Tiếng trống trường cuối buổi sáng tan lúc 11h30. Thầy Lượng vui vẻ chuyện trò với chúng tôi ở phòng làm việc của thầy Khanh. Sinh năm 1983, cầm tinh con lợn nhưng Lượng bảo mình không được sướng như trong tướng số! Năm 1984, khi Lượng mới tròn 1 tuổi thì người bố của anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh ở chiến tranh biên giới Tây Nam. Mẹ Lượng, chị Nguyễn Thị Phượng lúc đó tuổi cũng mới chỉ đôi mươi, đã phải sớm vất vả một mình gồng gánh nuôi con.
Khi học lên cấp 2, Lượng cũng đã phải sớm vất vả như mẹ, suốt ngày quăng quật tấm thân, cuốc cày trên cánh đồng đất cát quê hương, lúc trồng cây lúa, khi cây khoai cho cái ăn hằng ngày hằng tháng. Khi mùa vụ vừa xong, lại quay sang việc chăn trâu, bò thuê cho người dân trong xã để kiếm thêm tiền lo cho việc học. Tuổi thơ vất vả, cơ cực nên Lượng không có được điều kiện tốt để học hành. Khi học xong cấp 3, chỉ thi đỗ vào Khoa tiếng Anh Trường Đại học tư thục Duy Tân Đà Nẵng mà không phải một trường công lập danh tiếng ở miền Trung.
Anh trầm ngâm nhớ lại: “Hồi em vào học đại học là 2003 đến 2007 thì ra trường. Suốt thời gian 4 năm, em rất ít khi được nghỉ ngơi, bên cạnh việc học, em còn phải bươn chải, lăn lộn với đủ thứ công việc, từ việc dạy kèm đến phụ hồ, quét dọn, sơn sửa nhà cửa cho người khác để nuôi thân và trang trải các khoản chi phí học tập”.
“Những vất vả đó đã không làm em sợ hay nản lòng, điều mà em lo nhất là mẹ sống một mình ở quê, lúc trái gió trở trời hay bị ốm đau. Nữa là mẹ sẽ buồn nếu như việc học hành của em không được tốt. Vậy nên, em đã luôn cố gắng, nỗ lực hết mình vượt khó, học tập tốt để mẹ được vui, mình khi ra trường đi xin việc sẽ được thuận lợi”, thầy Lượng bộc bạch.
Do điều kiện tài chính của địa phương khó khăn nên từ những năm 2000, mặc dù nhiều trường còn thiếu giáo viên dạy tiếng Anh, việc hợp đồng hay biên chế đối với giáo viên này là rất hạn chế. Thầy Lượng vì thế đã có thời gian dạy không lương ở Trường THCS Vĩnh Chấp. Sau đó, thầy được nhà trường hợp đồng với mỗi tháng chỉ 500 nghìn đồng. Đến năm 2009, khi UBND tỉnh Quảng Trị và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này có chủ trương thi tuyển biên chế công, viên chức đối với giáo viên tiếng Anh, thầy Lượng đã thi đỗ, được biên chế vào Trường THCS thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh.
Tuy nhiên, do mẹ ở quê thường xuyên ốm đau bệnh tật, đường sá đi về lại xa xôi, khó khăn trở ngại nên đến năm 2012, thầy Lượng viết đơn trình bày hoàn cảnh, xin được về quê dạy học. Mong muốn của thầy Lượng còn được Ban giám hiệu Trường THCS Vĩnh Chấp hết sức ủng hộ. Bên cạnh sự chia sẻ những khó khăn với thầy, nhà trường cũng đang rất cần giáo viên bộ môn này.
Nhưng theo thầy Khanh cho biết: “Lúc đó, thầy Lượng được chuyển về trường chỉ đúng một giờ đồng hồ. Khi đang tham gia buổi chào cờ đầu năm học mới của trường, thì thầy được cấp trên gọi riêng ra và trao quyết định điều chuyển tiếp từ Trường THCS Vĩnh Chấp đến Trường tiểu học Vĩnh Chấp sát bên cạnh”.
Trường tiểu học Vĩnh Chấp nơi thầy Lượng gắn bó, dạy học nhiều năm. Ảnh: H.L
“Lúc đó, bản thân tôi và Ban giám hiệu nhà trường rất buồn. Thầy Lượng cũng rất buồn nhưng chúng tôi động viên thầy thôi thì về được gần nhà, có điều kiện chăm sóc mẹ ốm đau là tốt rồi. Sau đó, do nhà trường vẫn chưa có đủ giáo viên dạy tiếng Anh nên chúng tôi đề xuất Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Linh đề nghị thầy Lượng dạy tăng cường, một mặt đảm bảo việc học tập tiếng Anh cho các em học sinh ở đây, mặt khác giúp thầy Lượng dạy đủ tiết để hưởng lương theo quy định của nhà nước, do bên cấp 1 không đủ lớp, đủ tiết cho thầy dạy”, thầy Khanh chia sẻ.
Qua 5 năm dạy học tại các trường tiểu học và THCS Vĩnh Chấp (những ngôi trường có thể coi là “trường làng” bởi những yếu tố, điều kiện khách quan quyết định nên nó, như trường xa các trung tâm văn hóa huyện lỵ, thành phố, cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, lạc hậu), thầy Lượng đã không ngừng trau dồi, học tập nâng cao kiến thức chuyên môn của mình để không chỉ truyền đạt lại một cách tốt nhất cho các học trò, mà còn khẳng định với bè bạn rằng, con người là nhân tố trung tâm của mọi sự việc, ý chí con người sẽ quyết định mọi sự thành bại trong cuộc sống của mình.
Học mọi lúc mọi nơi
Thầy Lượng học tiếng Anh bằng nhiều cách, như thường xuyên nghe radio phát bằng tiếng Anh; các bản tin của các đài nước ngoài trên tivi bằng tiếng Anh và xem các phim truyện nói tiếng Anh. Thầy học quên trưa quên tối, lúc nào cũng mang theo bên mình các thiết bị máy móc phục vụ cho việc học hành này. Bên cạnh đó, vào những ngày nghỉ, lễ là thầy tìm đến các bạn bè người nước ngoài đang công tác, du lịch ở Quảng Trị và các tỉnh, thành lân cận để có điều kiện giao tiếp, trau dồi nguồn kiến thức tiếng Anh của mình. Cùng với việc học tiếng Anh theo cách nghe, nói, thầy còn đầu tư tìm kiếm, mua về rất nhiều sách ngữ pháp tiếng Anh, sách truyện bằng tiếng Anh để học tập, thực hành văn viết bằng tiếng Anh của mình một cách thường xuyên.
Thầy giáo Nguyễn Văn Minh, chuyên viên tiếng Anh của Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, thầy Lượng là một giáo viên dạy giỏi tiếng Anh nhiều năm. Qua khảo sát, đơn vị đã lựa chọn 23 giáo viên tiếng Anh trên toàn tỉnh để tham gia kỳ thi tuyển Giám khảo Quốc tế chấm thi vấn đáp tiếng Anh Cambridge do Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Cambridge thuộc Trường Đại học Cambridge Vương quốc Anh tổ chức tại Huế.
Kết quả, có 5/23 giáo viên kể trên thi đỗ kỳ thi này, gồm các giáo viên Lê Văn Lượng, Trường tiểu học Vĩnh Chấp; Trần Hữu Lưu, Trường THPT Cam Lộ, huyện Cam Lộ và 3 giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP Đông Hà là Ngô Minh Hải, Lê Thị Ngọc Trang và Nguyễn Thị Thùy Trang. Hiện tại, cả 5 giáo viên này đã được Cambridge đào tạo hoàn thành khóa học làm Giám khảo Quốc tế chấm thi vấn đáp tiếng Anh Cambridge và được cấp Chứng nhận Giám khảo vấn đáp Quốc tế Cambridge có mã số đăng nhập mạng lưới giám khảo Cambridge toàn cầu, có quyền chấm thi vấn đáp các kỳ thi tiếng Anh Cambridge ở bất cứ đâu trên thế giới theo đúng cấp độ được đào tạo.
Dạy giỏi, chấm thi chuẩn
Buổi chiều, chúng tôi rủ thêm người bạn nước ngoài, ông Richard (quốc tịch Anh) đang công tác tại một dự án phi chính phủ ở Quảng Trị, xin dự buổi học tiếng Anh do thầy Lượng dạy tại Trường THCS Vĩnh Chấp. Suốt tiết học, thầy Lượng như người anh của các học trò, kiểm tra kỹ càng các khả năng nghe, nói, đọc hiểu của từng em trong cùng một bài học, hướng dẫn các em rất tỉ mỉ cách dùng từ, cấu trúc câu và cách viết văn trong tiếng Anh. Bên cạnh là cách nghe, đoán nghĩa, nhận biết chính xác điều mà người khác nói ra. Đặc biệt, cách nhận xét, động viên học trò của thầy Lượng rất nhẹ nhàng, tình cảm, khiến cả lớp hứng thú suốt buổi học.
Trong số chúng tôi, có người học đại học chính quy 2 ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Điều mà chúng tôi thầm cảm nhận được ở thầy Lượng là khả năng nói tiếng Anh rất tuyệt vời. Tuy nhiên, đến khi ông bạn Richard của chúng tôi thốt lên: “Tôi không nghĩ một người châu Á lại có khả năng nói tiếng Anh tốt đến như thế!”, thì tất cả chúng tôi mới vỡ òa điều mình nghĩ.
Trở lại kỳ thi làm Giám khảo Quốc tế chấm thi vấn đáp tiếng Anh Cambridge, thầy Lượng cho hay: “Kỳ thi diễn ra 2 đợt. Đợt 1 do Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Cambridge thuộc Trường Đại học Cambridge Vương quốc Anh phỏng vấn trực tiếp các giáo viên tham gia dự thi tại Huế, với các lĩnh vực gồm phương pháp sư phạm và kiến thức chuyên môn. Đợt 2, do người hội đồng trên phỏng vấn qua điện thoại với các nội dung hỏi về quá trình học tập, xử lý với học sinh, cách đánh giá và nhận xét học sinh”. Tại cả 2 đợt của kỳ thi này, thầy Lượng đều xuất sắc vượt qua, giành được số điểm rất cao.
Lại nhớ lúc chia tay thầy Lượng, người thầy giáo trường làng ấy. Trong đôi mắt anh dường như lúc nào cũng rực lên ngọn lửa của ý chí và niềm đam mê học hỏi đến vô cùng.