Thông tin này được các đại biểu là các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý nêu ra tại Toạ đàm về “Vai trò của kinh tế nền tảng số đối với tương lai của kinh tế Việt Nam” diễn ra chiều 7/1 ở Hà Nội. Tọa đàm do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức.
|
Quang cảnh tọa đàm .(Ảnh: PV) |
Theo đó, GS.TSKH Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, cho rằng: "Ở Việt Nam, mỗi một tổ chức phải tìm ra cách làm việc của mình, thay đổi cách làm việc của mình khi mọi thứ được số hóa. Hoặc khi môi trường công nghệ thay đổi là phải thay đổi mô hình cũ mình đang làm, hoặc là tạo ra mô hình mới. Mô hình mới như kiểu AirBnB, Ebay, Amazon, Google, Baidu,v.v. Đây là những mô hình công cụ để liên kết với nhau. Đề án Bộ Thông tin và Truyền thông bây giờ đang đẩy mạnh là phải làm rất nhiều nền tảng trong từng lĩnh vực: nông nghiệp,tài chính, y tế, giáo dục… Nhiều công ty làm nhiều nền tảng cho những người bình thường có thể dùng".
Tại tọa đàm, Báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 cho thấy, kinh tế số của Việt Nam tiếp tục bùng nổ, đạt giá trị khoảng 12 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng khoảng 38%, thuộc top dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Kinh tế số tại Việt Nam đóng góp 5% GDP trong năm 2019. Giá trị nền kinh tế số tại Việt Nam sau 5 năm phát triển đã tăng gấp 4 lần, dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chia sẻ quan điểm: Thất nghiệp do kinh tế nền tảng báo trước một kỷ nguyên phát triển khủng khiếp của loài người. Nếu như nguồn lao động còn khả năng học hỏi thì thay vì làm các công việc cũ, họ làm việc khác, xã hội sẽ có thêm những nguồn lực mới, như vậy tổng sản phẩm toàn xã hội sẽ tăng lên. Xã hội có nhiều sản phẩm hơn thì cũng giàu có, thịnh vượng hơn. "Ở Việt Nam, quá trình này cũng đang bắt đầu diễn ra. Ban đầu, ta sẽ có cảm giác có rất nhiều vị trí không cần con người nữa, dẫn đến thất nghiệp. Nhưng những người bị thay thế đó mà cho rằng mình thất nghiệp là thất bại, là không hiểu gì về quá trình chuyển đổi xã hội hiện nay. Đơn giản là việc mình học để định làm thì đã có máy móc làm hộ mình rồi, thì mình phải làm việc khác. Phải học, phải làm quen để sau đó tạo ra giá trị mới. Đây là lúc mà con người phải tư duy rất nhiều, tìm hiểu rất nhiều. Với tư duy như vậy, chúng ta sẽ chung sống được với xã hội hôm nay một cách thuận lợi và chủ động hơn" - Viện trưởng VEPR cho biết.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành nêu ra ví dụ minh chứng và khẳng định, tất cả các hệ thống sẽ hỗ trợ để có các giao dịch thực sự diễn ra về mặt kinh tế. Tiền có thể trao đổi được, hai người có thể trực tiếp trao đổi ngay lập tức, không cần có ai làm thân làm quen, giới thiệu. “Việc đó làm cho mối quan hệ giữa con người với nhau thay đổi hoàn toàn, thay vì có thể không bao giờ gặp được nhau, hoặc gặp nhau phải mất đến 20 năm, 10 năm, thì giờ chỉ là một tích tắc. Đây rõ ràng là một cuộc cách mạng lớn" – ông Thành nói.
HA.NV