Ông Meir Dardashti, chuyên gia phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đến từ Vườn ươm Ideality Roads phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mai Hà
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Israel về ươm tạo và Thương mại hóa công nghệ” được tổ chức tại Hà Nội, chiều 14/11.
Hội thảo có sự góp mặt của 2 chuyên gia hàng đầu ươm tạo doanh nghiệp KH&CN đến từ Israel là bà Sarai Kemp, Phó Chủ tịch Phát triển Kinh doanh cho Trendines Agtech thuộc Tập đoàn Trendlines group và ông Meir Dardashti, chuyên gia phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đến từ Vườn ươm Ideality Roads.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh bày tỏ, Isarel được biết với thương hiệu Quốc gia khởi nghiệp về đổi mới sáng tạo và đang là đất nước đi đầu thế giới về lĩnh vực này. Là quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng những thành tựu KH&CN, đổi mới sáng tạo của quốc gia này đạt được thật ấn tượng. Bên cạnh khởi nghiệp, Israel còn được biết đến là quốc gia tạo nguồn công nghệ. “Tôi mong rằng, thông qua chia sẻ của hai chuyên gia hàng đầu, những bài học thành công và thất bại từ các góc nhìn khác nhau, cơ chế chính sách cho thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kinh nghiệm ươm tạo khởi nghiệp, thương mại hóa… sẽ được chia sẻ để có được những bài học cho Việt Nam trên con đường ươm tạo, thương mại hóa công nghệ - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia Israel cho rằng, đối với kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài cho nghiên cứu phát triển, thực tế các công ty nước ngoài khi đầu tư không nhận được bất cứ chính sách ưu tiên nào. Việc ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp thực tế không phải chính sách tốt. “Để thu hút doanh nghiệp hãy để họ nhìn thấy cơ hội tốt. Họ có thị trường, có thể nghiên cứu cùng startup. Việt Nam nên có chính sách để nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội mà họ có thể đạt được. Cái cần làm là cho nhà đầu tư thấy chính sách, hệ sinh thái mà có thể được tham gia vào” – ông Meir nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về việc thu thút đầu tư cho nghiên cứu và phát triển - vấn đề rất lớn mà nhiều nước đặt ra, vậy Việt Nam cần đưa ra chính sách như thế nào để thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu phát triển toàn cầu? – ông Meir cho rằng, kinh nghiệm từ Israel là không có chính sách nào. Đơn giản vì 2 lý do, thứ nhất họ thấy cơ hội, họ có thể tài trợ đầu tư cho các starup. Thứ 2 họ không chịu đựng được chi phí nếu không phải là Isarel. Apple là ví dụ điển hình. Năm 2012, Apple đến Isarel vì không thể nào không đến bởi các hãng công nghệ lớn nhất thế giới đang có mặt ở đây (Google, Facebook, IBM, Mircosoft…).
Quay trở lại câu chuyện Việt Nam, chuyên gia Israel đưa ra lời khuyên, nên có những chính sách để họ thấy có cơ hội hấp dẫn, cơ hội đầu tư, để họ sẵn sàng đến với Việt Nam.
Kết luận buổi hội thảo, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh một lần nữa khẳng định: Vấn đề tìm nguồn ý tưởng tốt đang đặt ra áp lực đối với Việt Nam, nhất là giới trẻ. Song cũng cần có cách tiếp cận khác về việc hiểu thế nào là ý tưởng tốt. Lâu nay, người ta thường quan niệm, ý tưởng tốt là ý tưởng khả thi về công nghệ và bị bỏ qua nhìn góc độ thương mại và thị trường. “Đó là một khoảng cách lớn mà những người làm chính sách như chúng tôi phải rất nỗ lực”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ./.
BL