Thay đổi để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước 

(Chinhphu.vn) – Chủ đề của Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong các khía cạnh về môi trường, tài nguyên, sinh thái.
 
Thay đổi để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước - Ảnh 1.

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3) và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Sáng nay (23/3), cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, tại tỉnh Hòa Bình, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3) và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, biến đổi khí hậu được xem là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại trong thế kỷ XXI với những tác động tiêu cực, đe dọa đến các hoạt động phát triển bền vững. Các báo cáo về tình trạng khí hậu toàn cầu của Tổ chức Khí tượng Thế giới thể hiện những thay đổi của hệ thống khí hậu trong những năm qua. Các chỉ số về nồng độ khí nhà kính, nhiệt độ bề mặt, sức nóng của đại dương, acid hóa đại dương, băng tan và mực nước biển dâng, đều ở mức cao kỷ lục tại thời điểm quan trắc.

Để thiết thực hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023, tất cả chúng ta cùng hành động tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết khác vào lúc 20h30 đến 21h30 ngày 25/3 trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Theo Liên Hợp Quốc, tài nguyên nước là yếu tố quan trọng nhất để đạt được các chỉ tiêu phát triển bền vững, bao gồm cả những mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Vì vậy, chủ đề Ngày Nước thế giới "Thúc đẩy sự thay đổi", Ngày Khí tượng thế giới "Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau" và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 với chủ đề "Thời khắc quan trọng cho Trái đất" có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong các khía cạnh về môi trường, tài nguyên, sinh thái. Thời tiết, khí hậu và vòng tuần hoàn của nước không phân biệt ranh giới quốc gia.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định: "Các thông điệp nêu trên nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước, biến đổi khí hậu; kêu gọi toàn thể cộng đồng hợp tác hành động, thể hiện vai trò và trách nhiệm trước sự tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường".

Theo Báo cáo "Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, thích ứng và tình trạng dễ bị tổn thương" do Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu thực hiện, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và cần thúc đẩy các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ. Nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng... đang đối mặt trước những thách thức của thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan và ngày càng khó dự đoán.

"Để giải quyết tốt những thách thức nêu trên, trong lĩnh vực tài nguyên nước, chúng ta đang tích cực xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thông tin.

Đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, ngành TNMT đã tích cực triển khai xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai công tác dự báo khí tượng, thuỷ văn chi tiết đến cấp huyện; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo về hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu, tiếp tục triển khai Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, chú trọng vào các giải pháp ưu tiên đối với các lĩnh vực và khu vực dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt là thực thi các cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP27 trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết các thách thức toàn câu; cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Thay đổi để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước - Ảnh 3.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Các thông điệp của Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm cần thay đổi để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Lan tỏa hành động bảo đảm an ninh tài nguyên nước

Theo bà Ramla Al Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), nước là sự sống, mỗi giọt nước đều quý giá. Bởi vậy, chúng ta cùng phải có trách nhiệm cao hơn trong quản lý và sử dụng nguồn nước. Hiện nay, UNDP đang phối hợp cùng với các đối tác giúp Việt Nam đối phó với hạn hán và thiếu nước sinh kế.

Để giải quyết thách thức này, Việt Nam cần đẩy mạnh các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt tại các tỉnh ĐBSCL; ưu tiên triển khai mạng lưới khí hậu đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực nhằm đưa ra kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn và đầu tư chuyển đổi sang năng lượng xanh.

"UNDP cam kết hợp tác hiệu quả với Bộ TN&MT, các bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững", bà Ramla Al Khalidi khẳng định.

Để chuyển hóa những thách thức và lan tỏa chủ đề Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ TN&MT đề nghị bộ, ngành, địa phương thống nhất hành động, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Xây dựng kế hoạch cụ thể từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông phổ biến pháp luật liên quan tới khí tượng thủy văn, nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan; quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh lối sống xanh và thân thiên môi trường, thiên nhiên, phát triển bền vững.

Ba là, nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước dưới đất; nghiên cứu áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng, đồng thời bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất. Đặc biệt quan tâm giải pháp về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước gắn với công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Thứ tư, triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực khí tượng thủy văn. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới; thu thập và khai thác thông tin từ vệ tinh đáp ứng yêu cầu theo dõi từ xa, từ sớm, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa, phục vụ hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế của đất nước.

Thứ năm, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia với cơ quan quản lý thiên tai, quản lý tài nguyên nước, cũng như chính quyền địa phương và các bên liên quan để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn.

Thu Cúc

248 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 831
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 831
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78122944