Thay đổi cách thức quản lý: Lợi từ nhiều phía 

(Chinhphu.vn) – Chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm là Bộ Công Thương đã trao lại quyền tự quyết cho DN. Đây là cách quản lý vừa bảo đảm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước lại giảm bớt chi phí, phiền hà, xóa bỏ những rào cản không cần thiết ngăn cản DN ra nhập thị trường.

 

Hình ảnh tại buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc khánh tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN)” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 22/11.

Thực chất là thay đổi tư duy quản lý

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định: “Câu chuyện xóa bỏ ĐKKD và chuyển dần sang các phương thức quản lý khác là thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý”.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lý giải, thay vì đưa ra một hệ điều kiện yêu cầu người dân và DN thỏa mãn để được cấp giấy phép kinh doanh, thì chuyển sang cách quản lý thông qua tiêu chuẩn, quy chuẩn cho từng lĩnh vực kinh doanh. Dựa vào đó, cơ quan quản lý sẽ đến kiểm tra đột xuất, nếu không đáp ứng được DN sẽ phải khắc phục, nặng hơn là tạm dừng kinh doanh.

Thứ trưởng dẫn ví dụ trong ngành thực phẩm, ngành hiện Bộ đang quản lý nhiều ĐKKD nhất, trước đây Bộ đặt ra một loạt điều kiện an toàn thực phẩm như: Cơ sở phải có vị trí, độ sạch sẽ ra sao, phải lưu trữ mẫu thực phẩm trong thời gian bao lâu… qua nhiều lần kiểm tra, giám định của cơ quan quản lý, DN sẽ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, từ thực tế có hàng trăm cơ sở kinh doanh như vậy trên cả nước, nếu cứ giữ cách quản lý đó thì chi phí tuân thủ ĐKKD sẽ rất cao.

Vì vậy, sau khi rà soát, Bộ Công Thương đã bỏ bớt những ĐKKD không hợp lý, các điều kiện còn lại chuyển sang hướng hậu kiểm, xây dựng, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để người dân, DN tự căn cứ thực hiện, các đoàn kiểm tra cũng dựa vào đó để kiểm tra sau này.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu ngay từ tư duy quản lý đã đặt nặng tiền kiểm thì không bao giờ hạn chế được các ĐKKD, “bởi theo nhu cầu quản lý, cứ xuất hiện hoạt động kinh doanh mới là lại phải đẻ ra các công cụ để quản lý nó”.

Ông Cung cho rằng áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn là một xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường, “khi đó, có thể huy động được toàn xã hội thực hiện giám sát”. Nhà nước chỉ kiểm tra trên cơ sở hậu kiểm, dựa trên mức độ tuân thủ của DN và mức độ rủi ro của hàng hóa.

Nhấn mạnh vai trò của các địa phương

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm thì vai trò của các địa phương sẽ trở nên rất lớn. “Các cơ quan quản lý Trung ương trên thực tế không thể đủ người để quản lý tất cả DN ở 63 tỉnh, thành phố, mà chỉ đưa ra các quy định quản lý, còn chính quyền địa phương mới là cơ quan thực thi. Cụ thể, Bộ chỉ có trách nhiệm đưa ra hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, còn các địa phương nơi DN đóng trụ sở kinh doanh phải là cơ quan kiểm soát xem DN có đáp ứng được tiêu chuẩn và quy chuẩn đó hay không”.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, chính vì các cấp, ngành ở địa phương sẽ trực tiếp kiểm tra, giám sát, nên phải có giải thích, giải nghĩa và truyền đạt thật rõ ràng, cụ thể cho chính quyền địa phương, đặc biệt là những công chức thực thi việc quản lý Nhà nước về nội hàm của hậu kiểm, những sự thay đổi bản chất so với phương pháp cũ, hay các công cụ quản lý sẽ được áp dụng ra sao…

Bên cạnh đó, “việc loại bỏ ĐKKD có thể khiến bộ phận những người mất quyền lợi phản ứng kháng cự lại, hoặc cố tình trì hoãn thực hiện, gây ra những kết quả bước đầu không khả quan. Nếu không dự phòng cho những trường hợp đó quá trình thay đổi sẽ chậm lại hoặc quay lại xu hướng tiền kiểm. Tôi nghĩ việc này hoàn toàn có thể xảy ra, chúng ta cần phải lường trước”.

Thu Hương

685 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 690
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 690
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87227667