|
Trường tiểu học Bình Chánh. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Sự việc xảy ra tại trường trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An) đang gây ra những luồng dư luận trái chiều trong dư luận mấy ngày qua.
Cụ thể, sau khi cô giáo B.T.C.N. phạt quỳ học sinh khiến các em không dám đến trường, phụ huynh đã đến gây sức ép với ban giám hiệu và cả giáo viên này. Nghiêm trọng hơn, theo nhiều thông tin, phụ huynh đã ép giáo viên phải quỳ gối mới “cho qua chuyện”.
Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những động thái nhằm làm rõ và xử lý vụ việc. Nhưng ồn ào hơn, như thường lệ chính là từ dư luận xã hội, đặc biệt là cộng đồng mạng. Dư luận chia làm hai hướng chính.
Một số người lên tiếng bênh vực giáo viên, cho rằng hành động của phụ huynh là “tội ác”. Rất nhiều người kể lại chuyện “ngày xưa” cho rằng việc giáo viên phạt quỳ học sinh là hoàn toàn bình thường, thậm chí cho rằng giáo viên cần có quyền lực và nếu không được áp dụng hình phạt, thầy cô giáo không thể dạy nổi học sinh nên người... Ngược lại không ít người cho rằng nguồn cơn là từ việc cô giáo sử dụng hình phạt quỳ đối với học sinh.
Trong một thời gian dài, với ảnh hưởng của Nho giáo, vị trí người thày được xã hội đề cao. Cùng với đó xã hội cũng mặc nhiên chấp nhận khi người thày sử dụng những biện pháp nghiêm khắc thậm chí là hà khắc trong giáo dục đến mức cho rằng sử dụng roi vọt để dạy dỗ như là một phẩm chất của người thày: “Thứ nhất hay chữ thứ nhì dữ đòn”, bên cạnh việc mặc nhiên coi chuyện đòn roi là một trong những biện pháp giáo dục con trẻ nói chung ở cả gia đình cũng như xã hội: “Yêu cho roi cho vọt...”
Nhưng, rõ ràng là những quan niệm đó thuộc về nền giáo dục xưa cũ, ở đó số lượng người dạy và cả người học không nhiều, nếu không nói là thiểu số trong xã hội. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, giáo dục được phổ cập tới tuyệt đại đa số người dân, mối quan hệ giữa giáo viên, cha mẹ học sinh và với chính học sinh cũng đã có nhiều đổi thay.
Hơn một lần, khoa học đã chứng minh và khuyến cáo, bạo hành không bao giờ và không thể là phương pháp giáo dục. Và theo các quy định của pháp luật ở xã hội văn minh, bất cứ hình thức xâm hại đến tinh thần, thể chất của học sinh, đương nhiên không còn được chấp nhận.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng đã có không ít những cha mẹ học sinh thể hiện quyền lực và gây áp lực cho chính thầy cô giáo. Với quan niệm “có tiền là có tất cả”, họ cho rằng chỉ cần sử dụng vật chất là có thể chi phối, gây sức ép thậm chí là xúc phạm đến những người đang dạy con mình ở trường. Không ít trường hợp, đầu năm phụ huynh của lớp họp nhau “chạy” để nhà trường phân công giáo viên theo ý họ. Trong quá trình học tập, khi có bất cứ điều gì không hài lòng, họ sẵn sàng phản ứng thái quá thậm chí xúc phạm nhân phẩm, xâm hại cả sức khỏe giáo viên.
Cả hai xu hướng từ giáo viên hay từ cha mẹ học sinh đều làm méo mó mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và chính con trẻ. Ở góc độ nào đó, quyền lợi ích chính đáng của trẻ em không còn được quan tâm đúng mức, môi trường giáo dục đôi lúc đã biến thành nơi để người lớn thể hiện quyền lực của mình và con trẻ đương nhiên biến thành nạn nhân chịu thiệt thòi trong mọi trường hợp.
Cần khẳng định lại rằng, đánh con hay phạt quỳ, xúc phạm học sinh cũng như xúc phạm giáo viên đều là những hành vi trái pháp luật. Chúng ta đã có Luật Giáo dục, Luật trẻ em... và rất nhiều những văn bản quy phạm pháp luật nhưng nhiều khi lại không được coi trọng và thực hiện đầy đủ. Trong câu chuyện này, những sai lầm cứ tiếp diễn và chồng lấn lên nhau. Cả giáo viên cũng như cha mẹ học sinh đều đã là người trưởng thành nhưng ở chừng mực nào đó họ lại thiếu gương mẫu, bỏ quên, thậm chí là hành xử bất chấp pháp luật. Xã hội văn minh không chấp nhận bất cứ cá nhân nào đặt mình cao hơn luật pháp.
Từ lâu, mệnh đề về mối quan hệ giữa 3 bên trong giáo dục vẫn được xướng lên, đó là gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên để có sự phối hợp bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, tất yếu mỗi chủ thể cần biết hành xử hợp chuẩn, đúng pháp luật và trên hết là vì quyền lợi của trẻ em.
Quang Lê