Ngày 15/11, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức tọa đàm “Chia sẻ cùng thầy cô”.
|
Quang cảnh Tọa đàm |
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Kim Quy, Tọa đàm "Chia sẻ cùng thầy cô" nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022. Ban Tổ chức mong muốn 68 thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình có cơ hội được giao lưu, học hỏi với các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hàng đầu trong ngành giáo dục; chia sẻ với đại diện Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam về nghề giáo, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” cũng như những khó khăn trong quá trình dạy và học tại địa phương cũng như lan tỏa hơn nữa câu chuyện của các thầy, các cô về tình yêu thương, chân thành, nỗ lực dìu dắt học trò trên con đường chinh phục tri thức và hoàn thiện nhân cách.
Tại Tọa đàm, GS.TS Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học quốc gia Hà Nội, Ủy viên hội đồng Giáo sư Nhà nước bày tỏ, “Tôn sư trọng đạo” là đạo lý ngàn đời nay. Đất nước phát triển hay không, sánh vai với cường quốc được hay không là nhờ công của thầy, trò. Tình thầy trò thiêng liêng nhưng bây giờ lại có hiện tượng khiến chúng ta đau lòng. Có những người “thầy không ra thầy”, quên sứ mệnh của mình, chạy theo vật chất. Học trò cũng có những “trò không ra trò”, đó là những “lỗ hổng” trong giáo dục.
"Tôi mong muốn, thầy cô phải giúp học trò nhận thức chính mình, đánh giá đúng mình, tự tin biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh, thì Việt Nam mới có thể hùng cường. Quyền uy của người thầy nằm ở nhân cách, tình yêu thương học trò và trình độ học vấn. Đó là sợi dây bền chặt kết nối tình nghĩa thầy trò", GS Vũ Minh Giang nói.
|
Tọa đàm có sự tham gia của 68 thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" |
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam cho rằng, khi tiến hành giáo dục học sinh thì các lực lượng giáo dục phải kiên trì, chấp nhận những mặt mạnh và cả những yếu kém của trò. Thầy cô phải khách quan việc nhìn nhận, đánh giá thiếu sót, giúp học sinh thấy rõ cái lợi, cái hại để tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội...
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục – Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, đằng sau những hành vi thiếu thân thiện của học sinh là sự căng thẳng, tâm trạng bất an, mong muốn thu hút sự chú ý của người khác. Do đó, giáo viên cần tìm hiểu động cơ, nguyên nhân của những hành vi cá biệt, thiếu thân thiện đó của học trò để giúp học trò thay đổi.
Cẩm Linh