Ngày 17/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quy chế điều động giáo viên, nhân viên công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từ nơi thừa sang nơi thiếu trên địa bàn tỉnh.
Quy chế này quy định rõ nếu giáo viên không chấp hành việc điều động sẽ bị áp dụng chính sách tinh giản biên chế hoặc cho thôi việc.
|
Việc điều động giáo viên ở khu vực đồng bằng đến vùng miền núi, khó khăn gây nhiều "tâm tư" cho giáo viên. Ảnh: AN |
Bà Lê Thị Hương, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, quy chế này ra đời để tạo ra sự công bằng, bình đẳng cho tất cả các giáo viên.
Nhất là trong thời điểm tỉnh vừa thực hiện việc sáp nhập các trường trên địa bàn.
Giáo viên công tác tại vùng thuận lợi và giáo viên công tác tại vùng khó khăn sẽ được liên tục điều động để đổi chỗ cho nhau.
Quy chế cũng quy định rõ thời gian thời hạn điều động đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn là 2 năm đối với nữ, 3 năm đối với nam (số năm tính theo năm học).
Hay như việc những giáo viên đã từng có thời gian công tác tại vùng đặc biệt khó khăn thì sẽ không được điều động trở lại vùng khó.
Không tránh khỏi lo lắng, bất an
Có quy định điều động này là do tỉnh Quảng Trị vừa thực hiện xong việc sáp nhập các trường trên địa bàn nên dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên giữa các vùng miền, đặc biệt là các vùng khó khăn.
Bởi thế, ban hành quy định về việc điều chuyển giáo viên giữa vùng thuận lợi đến vùng khó khăn và ngược lại, nhằm ổn định tình hình dạy và học, đồng thời đảm bảo tốt công bằng xã hội là điều cần thiết, nên làm và cần nhận được sự đồng thuận của dư luận.
Hiện tại thì một số đồng nghiệp của chúng tôi đang công tác tại nơi đây cho biết, họ vô cùng bất an, lo lắng trước quy chế điều động này.
Bởi, trước đây cũng có nhiều giáo viên được điều động công tác đến những vùng khó nhưng sau thời gian quy định xin về thì vô cùng khó khăn. Nhiều thầy cô sợ “lịch sử lập lại” với chính mình.
Họ lo lắng, không phải lúc nào người thực hiện cũng làm đúng như quy chế quy định và người thực hiện không phải ai cũng công tâm khi thực thi công vụ.
Và như thế, công bằng sẽ thuộc về kẻ mạnh chứ không phải người yếu thế, thân cô thế cô.
Vì vậy, thực hiện như thế nào để không gây bức xúc, không tạo bất công cho nhà giáo, tạo được sự công bằng cho tất cả các thầy cô như lời khẳng định của Giám đốc sở Giáo dục, nghĩ cũng cần phải được tính toán kĩ và vô cùng thận trọng.
Những băn khoăn cần được tháo gỡ
Theo quy chế của tỉnh Quảng Trị vừa ban hành, giáo viên công tác tại vùng thuận lợi và giáo viên công tác tại vùng khó khăn sẽ được liên tục điều động để đổi chỗ cho nhau.
Vấn đề đặt ra, giáo viên nào ở vùng thuận lợi sẽ nằm trong danh sách điều chuyển?
Nhà trường sẽ căn cứ vào những tiêu chí xét tuyển nào để đưa giáo viên vào danh sách đi biệt phái, tăng cường ấy?
Cần phải có quy định thật rõ ràng để nhìn vào đó buộc tất cả thầy cô giáo đủ điều kiện như quy định phải chấp hành nghiêm chỉnh dù người đó là ai.
Việc này, làm không cẩn thận, rõ ràng, rành mạch rất dễ xảy ra việc thầy cô nào không được lòng với cấp trên sẽ bị “đày” đi và ngược lại.
Và trong thực tế nhiều nơi cũng đã xảy ra tình trạng này, người thuộc tay chân của cấp trên sẽ bình chân như vại, người không cùng phe cánh sẽ phải ra đi.
Ngược lại, giáo viên nào sẽ vinh hạnh được nằm trong danh sách luân chuyển từ vùng khó trở về vùng thuận lợi?
Trong khi ở nhiều nơi, dư luận luôn xôn xao việc xin chuyển từ vùng khó về vùng thuận lợi mức chi phí cho việc chuyển đổi này lên đến vài trăm triệu đồng.
Sau thời gian quy định (2-3 năm) giáo viên biệt phái hay tăng cường lên vùng khó hết hạn có chắc chắn được xét chuyển về không? Hay lúc đó lại phải đi “cửa sau” vừa mất thời gian, vừa gây tốn kém?
Cần xây dựng rõ ràng những điều kiện điều chuyển
Để giáo viên hoàn toàn tự giác, ủng hộ và đồng thuận với chính sách này của tỉnh cần việc xây dựng một quy chế với các điều khoản luân chuyển rõ ràng, cụ thể ngay từ trường học.
Việc đưa giáo viên vào danh sách điều chuyển phải được làm công khai, khoa học, tránh kiểu làm lét lút, thiên về cảm tính.
Các cấp chính quyền nên tạo điều kiện thuận lợi cho chính nhà giáo được giám sát việc luân chuyển này.
Tỉnh cần công khai minh bạch việc điều chuyển, không làm kiểu úp mở, bất ngờ gây tâm lý hoang mang, cảm giác bất an cho các thầy cô giáo.
Có thế họ mới xem việc luân chuyển lên vùng khó như là nhiệm vụ bất khả thi và “vui vẻ ra đi làm nhiệm vụ, hết nghĩa vụ lại được trở về”.
Có thế, giáo viên có tên trong danh sách cũng không bị sốc, bị tuyệt vọng như trước đây vì “ngày về vẫn còn xa lắm”.
Ngoài ra, còn tránh được việc những thầy cô “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” không thể đi “cửa sau” để mua cho mình sự thuận lợi đẩy bất lợi về phía những đồng nghiệp yếu thế.
Phan Tuyết