|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo đến từ các cơ quan của Quốc hội, Bộ GD&ĐT, TP. Hà Nội, đại diện các nhà trường nhằm tìm kiếm các giải pháp kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý các dịch vụ giáo dục có thu phí trong các trường công lập.
Trường công, hệ thống giáo dục công lập có nhiệm vụ bảo đảm phúc lợi trong lĩnh vực giáo dục, phổ cập giáo dục, cung cấp dịch vụ giáo dục cơ bản, miễn phí hoặc chi phí thấp cho người dân. Còn trường tư thục là trường do tư nhân thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật, nhằm cung cấp các dịch vụ giáo dục đa dạng nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nhân dân, hoạt động trên nguyên tắc tự chủ tài chính và thỏa thuận với cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, sĩ số học sinh trong các lớp học ở các trường công lập nội đô quá tải trong nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Bộ máy biên chế giáo dục công lập ngày càng phình to, tăng thêm gánh nặng ngân sách nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Trước thực tế đó, Đảng và Nhà nước đã chủ trương thực hiện xã hội hóa để phát triển giáo dục, để người dân và doanh nghiệp cùng chung tay làm giáo dục, giảm áp lực sĩ số cho trường công lập, giảm biên chế và gánh nặng ngân sách, tăng chất lượng giáo dục do có sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục. Các trường tư thục hình thành và hoạt động không bằng ngân sách, hoàn toàn phải tự chủ về mặt tài chính, nhân sự, quản trị, tuyển sinh, phải tự lo mọi mặt để duy trì hoạt động, và chịu sự kiểm soát về chuyên môn của các cơ quan quản lý.
Các dịch vụ giáo dục có thu phí ra đời từ các trường tư thục, không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh và xã hội, mà còn tạo nên sự khác biệt với các trường công lập, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh để nâng cao mặt bằng chất lượng giáo dục nói chung.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, các trường tư thục, quốc tế đã đưa ra nhiều chương trình, dịch vụ giáo dục chất lượng cao đa dạng, hiệu quả để phục vụ và đáp ứng nhu cầu này.
Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện xu hướng đưa dịch vụ giáo dục có thu phí (liên kết ngoại ngữ, song bằng, dạy kỹ năng, mở trường lớp chất lượng cao học phí cao) vào nhà trường công lập vốn mang sứ mệnh phổ cập và cung cấp dịch vụ giáo dục công.
Hiện tượng này đặt ra nhiều câu hỏi về quản lý tài chính từ các dịch vụ giáo dục có thu phí đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị trung tâm là phổ cập giáo dục của trường công, tạo nên những cuộc chạy đua vào các trường công lập được gắn mác chất lượng cao, làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải.
Tại Hội thảo, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng, các nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội), Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie) đã thẳng thắn chỉ rõ trăn trở trong việc thí điểm thu phí dịch vụ trong hệ thống trường công, thí điểm học "song bằng" phổ thông tại Hà Nội...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho biết trong tiến trình sửa đổi Luật Giáo dục có nhiều vấn đề đang đặt ra nhằm mục tiêu xây dựng một luật chuyên biệt về giáo dục vừa mang tính khung, vừa để sau này xây dựng các luật chuyên ngành như giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học... Đối với những thí điểm giáo dục càng cần phải cẩn trọng vì ảnh hưởng đến cả một thế hệ tương lai, chúng ta cần phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phải lắng nghe suy nghĩ của các phụ huynh, xem áp lực đối với học sinh như thế nào... Tất cả những vấn đề này sẽ tiếp tục được trao đổi, thảo luận để có những quyết định đúng nhất, có quy định rõ ràng trong Luật Giáo dục (sửa đổi).
Nhật Nam