Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: M.P)

Chiều 30/7 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Thuế tổ chức Diễn đàn "Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử".

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, việc áp dụng hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu khi doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số. Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian (giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn)...

“Đây thực sự là con số có ý nghĩa lịch sử với doanh nghiệp. Khi sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp không cần chờ đợi nhận được hóa đơn theo đường bưu điện như cách làm truyền thống. Chỉ trong vài cú nhấp chuột, người mua hàng sẽ nhận được hóa đơn dù đang ở bất cứ nơi nào nếu có internet”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Lộc đánh giá, hiện tại chi phí áp dụng hóa đơn điện tử vẫn cao hơn nhiều so với việc doanh nghiệp tự in hóa đơn, đó là lý do đầu tiên doanh nghiệp không lựa chọn.

Bên cạnh đó, việc áp dụng hóa đơn điện tử rất cần một hạ tầng kỹ thuật tốt, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu về mặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - viễn thông.

Ngoài ra, ông Lộc cho rằng, hiện thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn tới hóa đơn điện tử chậm được áp dụng và triển khai trên quy mô lớn.

Vì vậy, theo ông Lộc, để có đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử, một trong những điều kiện mà các doanh nghiệp phải có được chính là hệ thống máy móc và trang thiết bị đảm bảo cho việc vận hành và sử dụng hóa đơn này. Ngoài ra, còn phải có một hệ thống nhân lực với trình độ cao để có thể sử dụng hóa đơn điện tử.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách - Tổng cục Thuế đánh giá, sau 7 năm thực hiện Nghị định số 51/2010/NĐ-CP về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các văn bản hướng dẫn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định 51 và 04 cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịnh vụ.

Cụ thể, theo quy định, Nghị định 119 bắt đầu có hiệu lực từ 1/11/2018. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang hoá đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, tại Khoản 2 điều 35 Nghị định 119, các doanh nghiệp và cơ quan thuế có thời hạn 24 tháng (kể từ 1/11/2018 đến 1/11/2020) để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và con người để áp dụng hoá đơn điện tử.

Trong thời gian từ 1/11/2018 đến ngày 31/10/2020, các Nghị định 51/2020/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn hiệu lực thi hành.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tân, về số liệu áp dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, tính đến tháng 7/2019, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký phát hành hoá đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế là 279 doanh nghiệp (tại Hà Nội là 128 doanh nghiệp, tại TP. HCM là 118 doanh nghiệp, tại Đà Nẵng là 33 doanh nghiệp). Trong đó, số lượng doanh nghiệp đã xuất hoá đơn điện tử có mã là 255 (trong đó, tại Hà Nội có 107 doanh nghiệp đã xuất hoá đơn, tại TP. HCM là 117 doanh nghiệp và tại Đà Nẵng là 31 doanh nghiệp.

Tình hình xuất hoá đơn của các doanh nghiệp thì tổng số hoá đơn được xác thực là 8.111.337 hoá đơn/255 doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp cũng nêu những vướng mắc đang gặp phải khi thực hiện hóa đơn điện tử. Ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, Hiệp hội Dịch vụ Doanh nghiệp Logistics Việt Nam có 400 doanh nghiệp trong 4.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam. Trong số 400 hội viên, có 67% là doanh nghiệp nhỏ và vừa có khó khăn về nguồn vốn, quản lý và ứng dụng khoa học công nghệ, nên sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai hoá đơn điện tử.

Vì vậy, ông Tương cho rằng, cần tạo ra nền tảng cho thực hiện hoá đơn điện tử, đồng bộ hoá trong triển khai hoá đơn điện tử của chính nội bộ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo ông Tương, Nghị định 119/2018/NĐ-CP đã được ban hành, nhưng chưa có Thông tư hướng dẫn gây khó cho doanh nghiệp trong việc triển khai hóa đơn điện tử.

Liên quan đến đề xuất cần ban hành sớm thông tư hướng dẫn nghị định 119, ông Nguyễn Hữu Tân cho biết, sẽ tiếp thu vấn đề này. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng báo cáo đây là nội dung rất lớn, không chỉ đơn thuần là các doanh nghiệp có điều kiện mới áp dụng hóa đơn điện tử mà hướng tới việc toàn bộ doanh nghiệp phải thực hiện hóa đơn điện tử. Điều này đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật thông tin lớn, cần thời gian để chuẩn bị, không thể làm trong một sớm một chiều” – ông Tân nói. 

Nhiều doanh nghiệp cũng đặt ra yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, liên kết đơn vị như Cục thuế, Kho bạc, Bảo hiểm…. Đại diện Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Hữu Tân cho biết đã tiếp thu ý kiến này. Trước đây, ngay khi có Nghị định 119, Bộ Tài chính đã gửi công văn tới các tỉnh thành, đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Còn việc liên kết các đơn vị sử dụng cùng một loại hóa đơn điện tử không hề dễ dàng vì còn phụ thuộc vào hạ tầng cơ sở của mỗi đơn vị. Đồng thời điều này còn đảm bảo tính pháp lý, vì hóa đơn điện tử có tính pháp lý là duy nhất…/.

Minh Phương