Nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Hướng Hóa là huyện có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa rất đa dạng, phong phú. Điều kiện khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, có nhiều danh thắng đẹp, hoang sơ, kỳ vỹ, đặc biệt là hệ thống núi non, hang động, sông suối. Một số điểm có tiềm năng lớn về phát triển du lịch như: Cụm động thác Tà Puồng, động Kulum xã Hướng Việt; động Brai xã Hướng Lập; động Trĩa, (Hướng Sơn) đã được các đơn vị, chuyên gia khảo sát bước đầu.
|
Farmstay vườn nhiệt đới ở xã Tân Hợp. |
Hướng Hóa có tổng diện tích đất rừng là 51.995 ha với nhiều chủng loại gỗ quý và phong phú. Trong đó 22.128,24 ha đất rừng đặc dụng, 17.649,49 ha đất rừng phòng hộ, 12.217,58 ha đất rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng 44,70%. Trên địa bàn huyện hiện có 1 Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có tính đa dạng sinh học cao; có 2.145 ha rừng tự nhiên của 5 cộng đồng, gồm: thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng), thôn Hồ và thôn Cát (xã Hướng Sơn), thôn Trăng - Tà Puồng (xã Hướng Việt) và thôn Xa Bai (xã Hướng Linh) đã được cấp chứng nhận quốc tế về dịch vụ hệ sinh thái. Cùng với đó là nhiều loại chim thú hoang dã như lợn rừng, nai, mang, khỉ, gấu, trĩ, gà lôi lam... Đây là nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá, có ý nghĩa lớn về môi trường sinh thái, khoa học và kinh tế.
Bên cạnh đó, trên địa bàn Hướng Hóa còn có nhiều di tích lịch sử quan trọng, ghi dấu nhiều chiến công anh hùng, bất khuất của dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Toàn huyện có 22 di tích đã được xếp hạng, trong đó 3 di tích cấp Quốc gia (Nhà tù Lao Bảo, làng Vây, sân bay Tà Cơn), 19 di tích cấp tỉnh được phân cấp quản lý (cấp huyện: 4 di tích, cấp xã: 15 di tích; 18 di tích thuộc loại hình lịch sử cách mạng, 1 di tích thuộc loại hình khảo cổ).
Thời gian qua, từ các nguồn vốn của Trung ương, địa phương, nguồn vốn xã hội hóa, nhiều di tích lịch sử cách mạng đã được trùng tu tôn tạo, như: di tích sân bay Tà Cơn; Bảo tàng Đường 9 - Khe Sanh; Di tích Nhà tù Lao Bảo; xây dựng Bia di tích Đồn điền Mụ Rôm - nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hướng Hóa; xây dựng khuôn viên, tượng đài xe tăng tại cứ điểm Làng Vây... Một số công trình được xây dựng thêm như khu văn hoá tâm linh huyện, Cao điểm 689...
Cùng với đó, Hướng Hóa có không gian văn hóa mang đậm bản sắc của đồng dân tộc Vân Kiều, Pa Kô rất đa dạng, phong phú với hệ thống các lễ hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian như múa cồng chiêng, hát dân ca của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục.... Các loại nhạc cụ, làn điệu dân ca và một số nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô hiện đang dần khôi phục và phát triển, gắn kết phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Đây là những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang được huyện định hướng xây dựng thành sản phẩm du lịch, nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Thách thức phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững
Thời gian qua, một số doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn huyện đã triển khai xây dựng mô hình phục vụ khách du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng mang đặc trưng của địa phương đã từng bước được khai thác có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch theo các mục tiêu khác nhau.
|
Những cánh đồng điện gió trở thành tiềm năng phát triển du lịch ở Hướng Hóa. |
Theo bà Nguyễn Thị Huyền - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa, sản phẩm du lịch cộng đồng hiện đang khai thác trên địa bàn huyện Hướng Hóa tập trung vào khai thác giá trị cảnh quan sinh thái, rừng, sông, suối như điểm sinh thái thác Tà Puồng, xã Hướng Việt, Chênh Vênh, xã Hướng Phùng...; sản phẩm dựa trên khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp như: mô hình nông trại tại Valley Farm, Miền Viên Thảo, khối 1, thị trấn Khe Sanh; sản phẩm dựa trên khai thác giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô gắn với giá trị văn hoá, di tích lịch sử, lễ hội, phong tục tập quán của cộng đồng như điểm du lịch tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng; sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng như mô hình du lịch tại điểm Năm mùa Bungalows tại xã Hướng Phùng, điểm du lịch Rose farm, Bảo Nguyên Xanh tại xã Hướng Tân…
"Các mô hình này bước đầu đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2023, Hướng Hoá đón trên 80 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Hoạt động du lịch cộng đồng ở Quảng Trị đang còn ở giai đoạn phát triển ban đầu; lượng khách đến tham quan, chủ yếu là khách nội địa nhưng cũng đã góp phần bảo vệ tài nguyên du lịch và văn hóa bản địa, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình dịch vụ du lịch chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp chưa được cấp phép ở một số địa phương đang đặt ra nhiều thách thức cho du lịch cộng đồng phát triển bền vững. Hầu hết các mô hình này đều phát triển tự phát, xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định pháp luật" - bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.
|
Homstay Bảo Nguyên Xanh ở xã Hướng Tân. |
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết, với địa hình đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh cùng với bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tạo cho Hướng Hóa có tiềm năng đặc biệt để phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Hướng Hóa chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, các mô hình phát triển tự phát, chưa xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các hộ dân và các bên tham gia; thiếu các chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng. Đa số các mô hình du lịch cộng đồng ở Hướng Hoá hiện nay đều được triển khai trên đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được quy hoạch. Vai trò của chính quyền và doanh nghiệp du lịch trong du lịch cộng đồng chưa được phát huy.
Tháo gỡ vướng mắc để phát triển du lịch
Theo Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân, các mô hình du lịch Homestay, Famrstay… đang hoạt động trên địa bàn huyện đều mang tính tự phát; phần lớn được xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa đảm bảo các quy định của pháp luật, chưa có quy hoạch cụ thể cho phát triển ngành du lịch nên khó khăn cho việc kêu gọi đầu tư cũng như quảng bá rộng rãi, UBND huyện Hướng Hóa đã đề xuất tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng chưa hoàn thành thủ tục.
“Sự đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch chưa xứng tầm với tiềm năng phát triển du lịch của địa phương. Nhiều di tích lịch sử đã xuống cấp, di tích lịch sử cấp tỉnh trên địa bàn huyện phần lớn đang bị mất dấu, chưa được lập hồ sơ khoa học để cắm mốc. Chưa có sự liên kết mạnh mẽ với các doanh nghiệp, địa phương lân cận để xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh. Các hoạt động bề nổi nhằm quảng bá phát triển du lịch còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, quảng bá ở các địa phương chưa mạnh.” – Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa chia sẻ.
|
Farm stay Valley farm ở Thị trấn Khe Sanh. |
Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân của những vấn đề trên, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho rằng, với đặc thù của một huyện miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn nên nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về tham gia làm du lịch còn hạn chế, nhất là kiến thức pháp luật trên lĩnh vực du lịch. Nguồn nhân lực đầu tư cho phát triển du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiệm vụ phát triển du lịch tại địa phương.
Cũng theo đồng chí Đặng Trọng Vân, một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ thúc đẩy phát triển du lịch, chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia làm du lịch. Thiếu kinh nghiệm trong việc khai thác tài nguyên du lịch; việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, di sản văn hóa chưa được đồng bộ; tính liên kết vùng chưa cao. Công tác xã hội hóa du lịch chưa được đẩy mạnh trong xây dựng các khu du lịch, điểm du lịch gắn với cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch…
Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, mô hình du lịch Farm Stay (một số người dịch là du lịch canh nông, du lịch nông nghiệp, du lịch trang trại.. khác với du lịch cộng đồng – Home stay) đã có từ lâu đời ở các nước phát triển và du nhập vào nước ta từ những năm 80 và hiện phát triển khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành. Đây là một loại hình du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện môi trường, phát huy được hiệu quả các mô hình nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, huy động được sự tham gia của người dân, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân… Trong bối cảnh việc phục hồi kinh tế sau đại dịch còn khó khăn, chi tiêu cho du lịch hạn chế trong lúc nhu cầu đi du lịch tăng cao thì đây là một loại hình đang được người dân quan tâm, ủng hộ, cần được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, thực tiễn luôn đi trước và pháp luật thường có độ trễ, đi sau so với thực tiễn. Hành lang pháp lý cho loại hình du lịch này đang gặp nhiều bất cập, chủ yếu liên quan đến các yêu cầu về cấp phép đầu tư, quy hoạch, yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giấy phép xây dựng… và thực tế ở Hướng Hóa là một ví dụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách cho việc phát triển loại hình du lịch này, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành du lịch để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hướng Hóa được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án thí điểm trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của địa phương và nghiên cứu kinh nghiệm, cách làm hay ở một số địa phương trong nước. Đến nay, UBND huyện Hướng Hóa đã hoàn thành Đề án, đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan trước khi trình UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, trên cơ sở Đề án của huyện Hướng Hóa và thực tiễn một số địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, trình Hội đồng Nhân dân tỉnh một số chính sách của địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển loại hình du lịch nói trên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Hướng Hóa nói riêng./.