Những chuyến tàu 67 vươn khơi xa đã mang lại nguồn lợi không nhỏ cho ngư dân sau thời gian dài gặp nhiều khó khăn do sự cố môi trường biển gây ra.
|
Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân huyện Gio Linh do Agribank Quảng Trị tài trợ vốn |
Tuy nhiên hiện nay việc thực hiện NĐ 67 đang phát sinh nhiều vướng mắc đòi hỏi phải được tháo gỡ kịp thời để chính sách phát huy hết hiệu quả trong thực tiễn đời sống.
Tiếp sức ngư dân bám biển
Trở về sau chuyến đi biển 17 ngày từ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trên tàu vỏ gỗ công suất trên 700CV, ngư dân Hồ Minh Tiến ở thôn Quang Hải, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, cho biết, chuyến biển này đánh bắt được khoảng 1,5 tấn cá thu và 0,5 tấn cá ngừ và cá các loại, với mức giá từ 120-150 ngàn đồng/kg, trừ chi phí nhiên liệu, nhân công, gia đình ông thu lãi được 50-70 triệu đồng. Từ năm 2007 ông Tiến đã vay vốn Agribank Vĩnh Linh mua tàu công suất 200CV để đi biển.
Quá trình vay trả, tích lũy làm ăn tốt, mức vay dần được nâng lên 1 tỷ đồng. Đến khi Nhà nước có chính sách cho ngư dân vay đóng tàu lớn theo NĐ 67, gia đình ông mạnh dạn bán tàu cũ, vay vốn 6,5 tỷ đồng đóng tàu gỗ công suất trên 700 CV để thỏa ước mơ vươn khơi xa. Nhờ nguồn vốn của Agribank mà kinh tế gia đình ông Tiến ngày càng đi lên, lo đủ cho 4 con ăn học, có việc làm ổn định. Hiện tại lợi nhuận thu được từ các chuyến đi biển được gia đình dành dụm gửi vào Agribank để đến kỳ trả bớt nợ vay và dự phòng cho tương lai.
Là một trong những người nằm được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá vỏ thép theo NĐ 67, ông Võ Văn Thức ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, vui đến mức không ngủ được cả tuần liền. Ông được Agribank Gio Linh cam kết cho vay số tiền 17,26 tỷ đồng, thời hạn vay 16 năm, thời gian ân hạn 1 năm tính từ ngày giải ngân lần đầu tiên.
Ông kể, không chỉ riêng ông mà những chủ tàu được vay vốn đóng tàu 67 đều hết sức cảm kích với chính sách của Nhà nước và trách nhiệm của Agribank. Với số tiền vay lớn, thời hạn dài, được miễn lãi năm đầu tiên và chưa phải trả nợ gốc, những năm tiếp theo trả lãi với mức 7%/năm (trong đó ngư dân chỉ phải trả 1%, phần còn lại ngân sách nhà nước cấp bù), khoản vay được Agribank định kỳ trả nợ phù hợp với nguồn thu từ các chuyến đi biển…
Tất cả những yếu tố thuận lợi này tiếp sức cho ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng tàu 67 vươn khơi xa, tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình và quê hương của mình. Các khoản vay của ngư dân được Agribank giải ngân theo tiến độ của từng hạng mục công trình và chuyển khoản trực tiếp cho xưởng đóng tàu nên tiết giảm thời gian và chi phí đi lại, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.
Giám đốc Agribank Quảng Trị Hoàng Minh Thông cho biết, đơn vị có đến 4 chi nhánh đóng trên địa bàn vùng biển, chính vì vậy việc đầu tư cho vay phát triển kinh tế biển được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải thực hiện, cũng đồng thời là đối tượng kinh doanh Agribank hướng tới để phục vụ. Đặc biệt, từ khi Chính phủ có NĐ 67, Agribank Quảng Trị là ngân hàng thương mại đóng vai trò tiên phong và chủ lực trong đầu tư cho vay đóng mới và nâng cấp tàu có công suất lớn.
Đến hết tháng 4/2017, toàn ngành Ngân hàng Quảng Trị cam kết giải ngân cho vay 104 tàu với tổng số tiền 405 tỷ đồng, bao gồm đóng mới 23 tàu, nâng cấp 81 tàu. Trong đó Agribank Quảng Trị chiếm thị phần 63% với tổng số tiền cam kết cho vay 254 tỷ đồng cho 83 tàu, bao gồm cho vay đóng mới 15 tàu, nâng cấp 68 tàu. Hiện tại Agribank Quảng Trị đã giải ngân được 220 tỷ để đóng mới 1 tàu dịch vụ hậu cần, 14 tàu khai thác hải sản xa bờ với tổng số tiền 141 tỷ đồng, cho vay nâng cấp 68 tàu cá với số tiền 79 tỷ đồng. Ngoài ra Agribank còn cho vay vốn lưu động 2 tàu với số tiền cam kết cho vay trên 2 tỷ đồng.
Vẫn còn vướng mắc cần tháo gỡ
Một khó khăn lớn cho cả Agribank và các chủ tàu là hiện tại vấn đề mua bảo hiểm cho tàu 67 đang gặp vướng mắc chưa tháo gỡ được. Nhiều ngư dân bày tỏ sự lo lắng khi bảo hiểm đã hết thời hạn, chưa thể mua lại bảo hiểm trong khi vẫn phải cho tàu ra khơi xa đánh bắt giữa sóng gió trập trùng.
Theo quy định tại Điều 5 Chính sách bảo hiểm tại NĐ 67 thì ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần, trong đó hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho các thuyền viên; 90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ đối với tàu có công suất máy chính trên 400CV; 70% đối với tàu có công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV.
|
Agribank hỗ trợ số tiền 5 tỷ đồng và 25 tấn gạo cho ngư dân các vùng bị ảnh hưởng sự cố Formosa tại Quảng Trị |
Tuy nhiên, từ tháng 1/2017 đến nay Công ty bảo hiểm Bảo Việt Quảng Trị từ chối cung ứng bảo hiểm đối với tàu 67 với lý do Chính phủ chưa có văn bản cho phép kéo dài thời gian thực hiện NĐ 67 và Bộ Tài chính cũng chưa có hướng dẫn về việc tiếp tục hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm. Việc phải chi trả 100% chi phí bảo hiểm (khoảng từ 185-200 triệu đồng tàu có công suất từ 800 CV trở lên) gây khó khăn về tài chính cho các chủ tàu.
Bên cạnh đó việc gia hạn đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hàng năm cho tàu 67 cũng gặp khó khăn do ngư dân phải liên hệ với Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trực thuộc Bộ NN-PTNT (trụ sở tại Hà Nội) để bố trí kỹ thuật viên vào kiểm tra và cấp chứng nhận.
“Đối với các tàu cá đóng mới nên chăng nhà nước kéo dài thời gian đăng kiểm lần đầu lên 2 năm, đồng thời có cơ chế ủy quyền cho Sở NN-PTNT tỉnh để kiểm tra cấp chứng nhận cho ngư dân thì hợp lý hơn”, ông Võ Minh Bình ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh, vừa hoàn thành thủ tục gia hạn đăng kiểm cho tàu cá có công suất 826 CV, mạnh dạn đề xuất nguyện vọng chung của các ngư dân vùng biển Cửa Việt Quảng Trị.
Ông Đỗ Văn Mão, Giám đốc phòng giao dịch Bắc Cửa Việt là nơi trực tiếp cho vay theo NĐ 67 chia sẻ khó khăn đặc thù hiện nay là Agribank phải cân đối cho vay bằng nguồn vốn huy động trung dài hạn lãi suất cạnh tranh thông thường (lãi suất huy động bình quân tương đương với mức lãi suất cho vay 7%/năm), từ đó ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của đơn vị. Mong muốn của ông Mão và cũng là nguyện vọng chung của các chi nhánh có địa bàn vùng biển chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, là Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có chính sách hỗ trợ nguồn vốn tái cấp vốn đối với các khoản cấp tín dụng theo NĐ 67.
Bên cạnh đó, do việc đóng mới một con tàu vỏ thép mất nhiều thời gian (thông thường từ 9-15 tháng) vì vậy kiến nghị Chính phủ, NHNN cho phép các hợp đồng tín dụng đã ký kết trước thời điểm 31/12/2017 được tiếp tục giải ngân cho đến khi tàu hoàn thành việc nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Bộ Tài chính sớm chỉ đạo các công ty bảo hiểm tiếp tục hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm đối với khách hàng vay vốn theo NĐ 67 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân cũng như đảm bảo an toàn vốn vay cho các NHTM khi có rủi ro xảy ra.
VĂN TUYẾT MAI (Agribank Quảng Trị)