Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc chuyên đề nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đối với các dự án của ngành Giao thông vận tải 

Lắng nghe và chia sẻ các khó khăn, vướng mắc của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của ngành GTVT, lãnh đạo cũng như các đơn vị liên quan của Bộ GTVT trong việc tạo dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Phó Thủ tướng đánh giá, ngành giao thông còn đang đứng trước nhiều khó khăn cần phải nỗ lực để vượt qua, đó là:

Hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, đặc biệt là tiến độ triển khai các dự án lớn còn chậm. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 phải có 2.000 km đường bộ cao tốc, nhưng hiện các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam dài khoảng 600 km đang thực hiện rất chậm, phải hết năm 2021 mới hoàn thành kế hoạch. Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt lạc hậu, năng lực vận tải thấp. Hệ thống các cảng hàng không, sân bay phát triển mạnh, nhưng quy hoạch chưa bài bản, thiếu đồng bộ.

Cảng biển có nhiều phát triển nhưng phân tán, thiếu đồng bộ, thiếu các cảng cạn (ICD), thiếu trung tâm logistics làm hạn chế năng lực logistics của Việt Nam, ảnh hưởng đến giá thành và tính cạnh tranh của hàng hoá. Đường thuỷ nội địa phát triển chưa tương xứng với năng lực. Giao thông đô thị còn chậm còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng…

Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nhu cầu vốn cho ngành giao thông là rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư công hạn chế, thì việc thu hút đầu tư xã hội gặp rất nhiều khó khăn. 

“Các đồng chí phải tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục những bất cập hiện nay của các dự án BOT, quan trọng là phải công khai, minh bạch để tạo lòng tin với nhân dân, với nhà đầu tư thì mới huy động được vốn xã hội hoá. Không có nguồn vốn xã hội, sẽ không thể thực hiện được các mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, hạn chế lớn nhất là công tác quy hoạch, kế hoạch hoá đầu tư của ngành giao thông còn nhiều bất cập.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Trước mắt, Bộ GTVT phải tập trung giải ngân 100% vốn đầu tư công. Tuyệt đối không để tình trạng có tiền mà không tiêu được. Bởi đầu tư là nhân tố của tăng trưởng, chúng ta đầu tư giai đoạn này sẽ tạo ra môi trường để tăng trưởng thứ cấp trong giai đoạn tới”.

Với cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, lựa chọn nhà thầu để ngay trong tháng 9 tới khởi công 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công (đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây). Với 5 dự án thành phần theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tiến hành các quy trình thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu… để có thể khởi công trong năm nay.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 để khớp nối toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ. Đồng thời, tập trung giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các dự án hàng không, dự án nâng cấp đường thủy nội địa…

“Đối với 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách đang triển khai, Bộ GTVT cần thực hiện điều chuyển ngay vốn đối với các công trình khó giải ngân”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Về dài hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh và lập mới các quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, từ đó kế hoạch hoá đầu tư, xác định rõ nguồn lực để có có sở huy động, xác định các dự án ưu tiên triển khai thực hiện.

“Cần xác định nguồn vốn đầu tư từ xã hội là đặc biệt quan trọng trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả, trước mắt là tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT hiện nay”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với nguồn vốn đầu tư công, cần xác định rõ các công trình, dự án cần ưu tiên đặc biệt với các tiêu chí cụ thể, từ đó chủ động triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo giải ngân hết vốn, cũng như phát huy vai trò “đòn bẩy” của đầu tư công. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của ngành giao thông, các cơ quan quản lý trực tiếp về đầu tư xây dựng và chất lượng công trình giao thông./.

 
Mạnh Hùng