Sáng 28/6, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai tổ chức hội thảo An toàn sinh học và giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại các tỉnh phía Nam.
Ảnh minh họa. (Ảnh: H.A)
Trả lời câu hỏi sau bao lâu thì được tái đàn, ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi công bố hết dịch 30 ngày thì người chăn nuôi có thể tái đàn. Tuy nhiên trên thực tế, có những địa phương sau khi công bố hết dịch 60 ngày người dân mới tái đàn nhưng mầm bệnh vẫn không hết và đã có trường hợp ghi nhận tái phát dịch bệnh.
Ông Nguyễn Trường Giang cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, tốc độ lây lan nhanh. Việc tái đàn trong thời gian này người dân phải hết sức cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng. Chỉ có những trang trại đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi thì mới nên tiếp tục. Còn những hộ chăn nuôi theo truyền thống thì nên xem xét lại tránh thiệt hại nặng nề.
Liên quan đến câu hỏi về xử lý thức ăn thừa, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, theo quy định, khi lợn trong trại đã mắc bệnh phải tiêu hủy, tất cả những thứ liên quan như thức ăn, dụng cụ chăn nuôi... cũng phải tiêu hủy để chặn đứng nguồn dịch bệnh. Nếu đem chỗ thức ăn còn lại đi nơi khác sử dụng thì đã vô tình mang nguồn dịch bệnh từ nơi này đến nơi khác.
Tuy nhiên, ông Vinh cũng chỉ ra, có nhiều nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát; trong đó phải kể đến chuột và các loại côn trùng. Nếu phát hiện dịch bệnh tại trang trại nuôi và đem tiêu hủy hết, điều này sẽ khiến chuột mất đi nguồn thức ăn, sẽ tìm kiếm nguồn thức ăn mới và lây bệnh cho nơi khác. Do đó, ông Vinh đề xuất, không nên tiêu hủy hết toàn bộ thức ăn, mà để lại một ít làm thức ăn cho chuột. Sau đó, trộn thuốc diệt chuột vào chỗ thức ăn đó để tiêu diệt chuột.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều vướng mắc trong việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi như quá trình tiêu hủy, các biện pháp vệ sinh chuồng trại, cách ly nguồn dịch bệnh... đã được các cơ quan có thẩm quyền giải đáp cụ thể.
Bà Hà Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, sẽ tổng hợp, ghi nhận những thắc mắc, khó khăn của người dân và sẽ giải đáp trong thời gian sớm nhất. Bà Hạnh cũng đề nghị các đơn vị Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho người dân về các giải pháp an toàn sinh học tối ưu trong chăn nuôi lợn, đặc biệt là những trang trại chưa có dịch bệnh; lực lượng khuyến nông ở các địa phương tiếp tục phối hợp với hệ thống thú y các cấp phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ tiêu hủy các đàn lợn phát hiện dịch bệnh theo đúng quy trình.
Đặc biệt, Đồng Nai là "thủ phủ" chăn nuôi lợn của cả nước, do đó, các ngành chức năng phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi./.
Lê Xuân/TTXVN