Diễn đàn “Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao”
(Ảnh: A.T).

Diễn đàn “Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao” được tổ chức nhằm thu thập ý kiến của các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực phụ trợ cho ngành nông nghiệp về những vướng mắc gặp phải trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và những đề xuất để tháo gỡ những khó khăn đó. Đồng thời, Diễn đàn cũng là nơi để các cá nhân, doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao trao đổi kinh nghiệm trong nâng cao vị thế của doanh nghiệp và của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Báo Kinh tế nông thôn nhấn mạnh, ngay từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Tuy vậy, vì nhiều lý do, cả chủ quan và khách quan, việc triển khai Đề án gặp nhiều khó khăn. Nắm rõ thực tế, chỉ có phát triển nông nghiệp công nghệ cao vói sự tham gia tích cực của doanh nghiệp thì nông nghiệp Việt Nam mới có thể mang lại kết quả tích cực, nhất là mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng (tháng 1/2016) nêu rõ định hướng: "Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu".

Để gỡ khó cho nông nghiệp công nghệ cao (hạn điền, vốn, khoa học công nghệ, thị trường,...), Nghị quyết phiên họp tháng 2/2017 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành với thời gian cụ thể nhằm nhanh chóng tạo môi trường, cơ chế hấp dẫn, khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp phối hợp rà soát, sửa đổi chính sách đất đai nhằm tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, cởi trói hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý 3/2017. Đây được coi là đột phá then chốt, là động lực mới cho nông nghiệp Việt bay cao hơn và xa hơn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Trung ương Hội làm vườn Việt Nam - ông Ngô Thế Dân cho biết, phát triển nông nghiệp cao là xu hướng tất yếu. "Khi đi nước ngoài được tham quan nhiều mô hình sản xuất hiện đại, tôi từng mong nông dân Việt Nam cũng làm được điều này. Giờ đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện, nhưng chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập, cần giải pháp tháo gỡ đồng bộ. Vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn này là rất quan trọng.

TS. Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp và phát triển, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn kiến nghị, cần có những giải pháp hỗ trợ vể khoa học và tín dụng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, cần xây dựng thí điểm cơ chế nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp đặt hàng, cùng đầu tư, nghiệm thu, sử dụng và thương mại hóa kết quả; điều chỉnh các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian thương mại hóa sáng chế; thí điểm phát triển một số loại hình chợ công nghệ cho riêng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ ưu tiên, công nghệ mũi nhọn.

Cũng theo TS. Nguyễn Anh  Phong, không giới hạn khu vực cố định để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao, chỉ cần đảm bảo đúng quy hoạch, đúng đối tượng; áp dụng lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại từ 0,5 - 1,5% vừa đảm bảo khuyến khích doanh nghiệp, vừa đảm bảo cho các ngân hàng thương mại vận hành theo cơ chế thị trường; mở rộng các loại tài sản được thế chấp vay vốn bao gồm tài sản hình thành trên đất do đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trang trại, nhà kính…).

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), để chương trình đạt được hiệu quả, tránh rủi ro làm phát sinh nợ xấu cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính…; đặc biệt sớm triển khai hướng dẫn liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng và khách hàng phát triển đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch nói riêng./.

 

Lê Anh