Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi 

(ĐCSVN) - Hiện nay, chuyển đổi số trong chăn nuôi đã đạt được một số kết quả bước đầu khi hình thành được 2 cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi. Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, vẫn còn đó nhiều khó khăn cản trở sự phát triển của lĩnh vực này.

 

 Chuyển đổi số trong chăn nuôi hiện đã đạt được một số kết quả bước đầu
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: HNV)

Triển khai chuyển đổi số trong chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng, hoàn thiện phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành 2 cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi nằm trong Hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng ngành NN&PTNT.

Đối với cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi, tính đến thời điểm 31/8/2022, đã có 282 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (bao gồm thức ăn hỗn hợp, thức ăn bổ sung, thức ăn truyền thống) trên cả nước đăng ký tài khoản và cập nhật dữ liệu. Trong đó, từ ngày 1/7 - 30/7/2022, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi tiến hành đăng ký tài khoản trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Từ ngày 1/8/2022, cập nhật cơ sở dữ liệu thức ăn chăn nuôi theo thời gian thực trên hệ thống.

Đối với cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, với cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và lớn, cơ sở nuôi giữ giống gốc, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hướng dẫn đăng ký tài khoản, khai báo lên hệ thống trong tháng 7/2022. Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ, nhiệm vụ quản lý cơ sở chăn nuôi phân cấp cho địa phương, do vậy cần có lộ trình và hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ tích cực từ phía Bộ NN&PTNT để triển khai thành công nội dung cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi.

Tuy chuyển đổi số trong chăn nuôi hiện tại đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, hiện tại vẫn đang còn nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ. Nguyên nhân do chuyển đổi số là vấn đề mới dẫn đến các chủ thể trong ngành chăn nuôi bước đầu tiếp cận và cơ bản chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuyển số đối với quản lý ngành.

Số lượng cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao (ước tính số lượng vật nuôi của khu vực này chiếm 40% tổng đàn vật nuôi), trong khi cơ sở chăn nuôi với phương thức trang trại quy mô lớn còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Hầu hết người chăn nuôi quy mô nhỏ, các hộ chăn nuôi không có thói quen ghi chép, cập nhật số liệu chăn nuôi.

Cùng với đó là khó khăn trong việc xây dựng hệ thống thu thập số liệu ở nông hộ và trang trại quy mô nhỏ để cập nhật thông tin vào phần mềm; khó khăn trong việc thu thập số liệu sát thực tế do cách thu thập từ mỗi nguồn khác nhau (trưởng thôn, cán bộ thú y cơ sở, …) sẽ cho kết quả khác nhau.

Cục Chăn nuôi cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số trong chăn nuôi, toàn ngành sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Đó là, xây dựng phần mềm và các nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi một cách căn bản, hệ thống; tập huấn cho các địa phương để tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu tại các tỉnh, thành phố. Chuẩn hóa quy trình, kết nối, đồng bộ dữ liệu Hệ thống một cửa quốc gia, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống một cửa điện tử. Phối hợp chặt chẽ giữa Cục Chăn nuôi với Tổng cục Thống kê thống nhất về chỉ tiêu thống kê và cơ sở dữ liệu.

Tại địa phương, toàn ngành tập trung triển khai Quyết định số 5275/QĐ-BNN-VP ngày 31/12/2021 của Bộ NN&PTNT về ban hành kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT năm 2022; Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP ngày 15/6/2022 của Bộ NN&PTNT về việc Phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành NN&PTNT giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, triển khai cơ sở dữ liệu thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi nằm trong Hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng ngành NN&PTNT tại địa phương,…/.

 
BT
151 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1193
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1193
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87084383