Tháo gỡ khó khăn để phục hồi chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản sau giãn cách 

(ĐCSVN) - Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đề xuất một số nguyên tắc làm cơ sở để doanh nghiệp nông nghiệp xây dựng phương án sản xuất, chế biến sau giãn cách. Trong đó, tiếp tục phân vùng để kiểm soát theo 3 cấp độ vùng xanh – vùng cam – vùng đỏ. Cho phép các doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn mô hình “3 tại chỗ”, “3 xanh”, “1 cung đường nhiều điểm đến” hoặc kết hợp, xây dựng phương án áp dụng phù hợp khả năng và điều kiện.

 

Ngày 17/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg khu vực Nam bộ.

 Việc phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản sau giãn cách tại các tỉnh phía Nam vẫn đang còn rất nhiều khó khăn. (Ảnh: Trần Cao)

Còn nhiều khó khăn sau giãn cách

Theo Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ. Việc thực hiện nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương vẫn rất quyết liệt nhằm từng bước giảm mức độ phát sinh và lây lan ra diện rộng đã ảnh hưởng nhất định đến việc sản xuất, thu hoạch, cung ứng, lưu thông vật tư nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản phục vụ sản xuất.

Theo đó, vụ Hè Thu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 1.280 triệu ha, năng suất đạt 56,6 tạ/ha, sản lượng đạt 7,2 triệu tấn, diện tích còn lại sẽ thu hoạch trong tháng 9 là 230 nghìn ha, ước sản lượng 1,3 triệu tấn. Lúa Thu Đông đã gieo sạ 580 nghìn ha, đạt 83% so với kế hoạch, ước cả vụ sẽ xuống giống 700 nghìn ha.

Với vụ lúa Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long, là vụ lúa chính, diện tích gieo trồng khoảng 1,5 triệu ha với sản lượng hơn 10 triệu tấn lúa, có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, sản lượng nhiều, giá thành thấp, giá bán cao. Xét nhu cầu giống cho cả vụ ước tính cần khoảng 200 nghìn tấn, trong khi năng lực các công ty sản xuất và kinh doanh hạt giống lúa và Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cung ứng tối đa 100 nghìn tấn giống; các hợp tác xã, hộ sản xuất giống kinh doanh và trao đổi giống đạt phẩm cấp có thể cung ứng khoảng 50 nghìn tấn giống. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 50 nghìn tấn.

Với cây ăn quả và rau màu, từ nay đến hết năm 2021, sản lượng trái cây khoảng 1,75 triệu tấn, tập trung vào các loại như cam, bưởi, thanh long, chuối… là những cây trồng có sản lượng lớn. Tuy nhiên, hiện đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Tổng hợp sản lượng rau các loại từ tháng 9-12/2021 ước khoảng 1,95 triệu tấn.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tâm lý nông dân, dẫn đến thiếu đầu tư trong các khâu chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và vận chuyển trái cây, rau màu, một số cây ăn quả. Thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm do một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng. Việc tâm lý ngại tái sản xuất sau dịch có thể dẫn đến việc thiếu hụt số lượng rau màu phục vụ Tết Nguyên đán.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTTN Trần Thanh Nam, vấn đề quan trọng hiện nay là phải duy trì được sản xuất. Trong thời gian dịch bệnh, đã có 120/400 nhà máy chế biến nông thủy sản phải dừng hoạt động do có ca F0 hoặc do không đáp ứng đủ các điều kiện “3 tại chỗ” dẫn đến đứt gãy chuỗi cung. Hiện nay đã tăng lên 170 doanh nghiệp và có thể tăng thêm. Điều này ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, qua thực tiễn cho thấy, có 3 vấn đề đặt ra hậu dịch bệnh. Đó là sản xuất như thế nào để giảm chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thứ hai là việc sử dụng công nhân lao động như thế nào?. Hiện 170 nhà máy đã dừng hoạt động, các nhà máy còn lại hoạt động với công suất từ 30-40%, vậy khi hết giãn cách thì làm thế nào công nhân trở lại nhà máy? Vấn đề xét nghiệm thế nào để được vào nhà máy, vấn đề tập hợp công nhân ra sao vì hiện nay công nhân đang ngại sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, sau thời điểm này, việc kết nối thị trường, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước sẽ như thế nào?. Ngay cả vấn đề chi phí vận chuyển ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu.

Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội VASEP Nguyễn Hoài Nam, vào thời điểm giữa tháng 7, ít doanh nghiệp có thể đánh giá được rằng việc giãn cách có thể kéo dài đến hơn 2 tháng. Do vậy, có nhiều bị động kéo theo. Công suất ngành chế biến thủy sản giảm chỉ còn 30-35%, nhiều đơn hàng không đáp ứng được. Nhưng lo ngại nhất là nguồn nguyên liệu, từ khai thác và nuôi trồng của cá tra, tôm, đặc biệt cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Lượng cá tra quá cỡ, không thể khai thác, thu hoạch để đưa về. Những ách tắc đó kéo theo khó khăn cho không chỉ doanh nghiệp thủy sản mà cả vấn đề xuất khẩu.

Tiếp tục phân vùng để kiểm soát theo các cấp độ

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT), sau ngày 15/9/2021, nhiều tỉnh đã có khả năng tiến tới kiểm soát dịch, đã có nhiều tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Đây là cơ hội để các ngành hàng, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, đề ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới.

Trên cơ sở đó, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đề xuất một số nguyên tắc làm cơ sở để doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất, chế biến. Cụ thể, tiếp tục phân vùng để kiểm soát theo 3 cấp độ vùng xanh – vùng cam – vùng đỏ. Cho phép các doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn mô hình “3 tại chỗ”, “3 xanh”, “1 cung đường nhiều điểm đến” hoặc kết hợp, xây dựng phương án áp dụng phù hợp khả năng và điều kiện. Khuyến khích doanh nghiệp đã duy trì tốt mô hình hiện tại mở rộng quy mô sản xuất trên cơ sở có vùng đệm giữa nhân sự mới và nhân sự hiện đang thực hiện “3 tại chỗ”.

Bộ Y tế hướng có dẫn rõ, thống nhất điều kiện nào thì người lao động được đi làm, di chuyển trong vùng, liên vùng, tương ứng mức độ tiêm 1 mũi, tiêm đủ 2 mũi, đã khỏi bệnh, cư trú tại vùng xanh để quản lý tương ứng. Hướng dẫn rõ phương pháp xử lý khi có ca nhiễm, để doanh nghiệp xử lý đúng và tái sản xuất lại nhanh chóng.

Bên cạnh đó, cho phép các doanh nghiệp tự xét nghiệm với điều kiện phải mua test kit trong danh mục của Bộ Y tế. Người đọc kết quả xét nghiệm phải được đào tạo bởi y tế địa phương. Cho phép khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ xét nghiệm cho doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp.

Tại Hội nghị, đại diện của tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ Công Thương thực hiện nhiều hơn các hội nghị trực tuyến để hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, kiến nghị sớm thúc đẩy các chủ trương xây dựng hạ tầng cho vùng Đồng bằng sông Cửu long, trong đó có việc xây dựng các kho lạnh cho các trung tâm đầu mối. Nếu thời điểm này có kho lạnh thì  sẽ giúp ích được rất nhiều. Về lâu dài, Trung ương cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu lại để thích ứng với dịch bệnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương ở trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần có sự tư duy lại. Cần hiểu rõ chuỗi ngành hàng nông nghiệp có những đặc thù riêng. Trong đó, có rất nhiều thành phần để tạo ra được một sản phẩm nông nghiệp.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần phải xem 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là một thực thể về kinh tế. Theo Bộ trưởng, vấn đề ở đây không phải là tỉnh này chúng ta có nhiêu lúa, bao nhiêu cá… mà để bao nhiêu lúa, bao nhiêu cá ấy ra được thị trường thì phải lệ thuộc vào một hệ thống “chằng chịt” của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, từ thương lái tới doanh nghiệp… Cho nên, chúng ta cần phải tư duy lại, đó là về tư duy về liên vùng./.

 
BT
539 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 941
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 941
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87169785