Tháo gỡ khó khăn đầu tư tín dụng trong nông nghiệp 

(ĐCSVN) - Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn xác định đây là lĩnh vực ưu tiên đầu tư tín dụng, không ngừng góp phần vào quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Tín dụng ngân hàng đang góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
(Ảnh minh họa: TD).

Dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, Ngân hàng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình cho vay thí điểm các mô hình liên kết chuỗi giá trị, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ, làm tiền đề để trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cụ thể như: Chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ 50 triệu đồng đến tối đa 3 tỷ đồng; các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ hoặc đầu mối ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70-80% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết…

Bên cạnh chính sách tín dụng chung đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể kể đến: Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5% so với lãi suất thông thường; chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg.

Ngoài ra, để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng thuộc lĩnh vực này. Cụ thể, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp nông nghiệp; gia hạn cho vay ngoại tệ đến hết năm 2018 đối với một số nhu cầu vốn để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đến nay, dư nợ đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2017 và tăng 2,3 lần so với thời điểm bắt đầu triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chiếm tỷ trọng khoảng 21% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Riêng dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 38.000 tỷ đồng với hơn 16.800 khách hàng; dư nợ cho vay mô hình liên kết chuỗi giá trị đạt trên 7.000 tỷ đồng. Dư nợ đối với một số sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như lúa gạo tăng gần 20%, cà phê tăng 16,73%, thủy sản tăng khoảng 37,2%.

Nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc đầu tư tín dụng

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chưa đáp ứng yêu cầu về tái cơ cấu mà Đề án theo Quyết định 899/QĐ-TTg đề ra về đẩy mạnh liên kết, công công nghệ cao, ảnh hưởng đến việc đầu tư tín dụng của ngành ngân hàng.

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, thiếu liên kết, chuỗi giá trị sản phẩm chưa được tổ chức và phát triển hợp lý. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, thực tế hiện nay cả nước chỉ có khoảng 300/700 chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả.

Trình độ chế biến sâu còn hạn chế nên giá trị gia tăng thấp. Trên 96% doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng suất lao động thấp, chỉ bằng 38% năng suất lao động chung cả nước.

Thị trường tiêu thụ thiếu ổn định trong khi công tác phân tích, dự báo thị trường cũng như quy hoạch chưa hiệu quả. Việc ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế còn hạn chế với chỉ 5% doanh nghiệp nông nghiệp được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bài bản, hiệu quả. Số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn hạn chế.

Cùng với đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (nhà kính, nhà lưới,…) tại các địa phương theo Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn chậm, cần các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Cam kết đồng hành với phát triển nông nghiệp

Phát huy các kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, NHNN cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về nông nghiệp trên thế giới.

Trong đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, kịp thời có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai chính sách tín dụng ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55, đặc biệt cho vay liên kết chuỗi giá trị, cho vay các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho người dân cũng như doanh nghiệp nông nghiệp.

Đặc biệt, để chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, NHNN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật liên quan hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như: Luật đất đai, Luật công nghệ cao,…để tạo điều kiện phát triển một nền nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đối với Bộ NN&PTNT, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng cơ chế phối hợp trong việc đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Đối với các địa phương, đẩy mạnh các liên kết vùng, liên vùng trong phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Có giải pháp gắn kết hợp tác, liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp đầu mối; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, chế biến sâu, tạo liên kết sản xuất với người nông dân, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp./.

BT

345 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 911
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 911
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87221073