|
Năm 2024 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,5 triệu lượt (tăng 38,9%). |
Năm 2024, nhiều hoạt động du lịch lớn đã được tổ chức ở trong nước và quốc tế. Lần đầu tiên Bộ VHTTDL tổ chức thành công Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới". Sự kiện nhận được đánh giá cao từ phía Hoa Kỳ và các nhà làm phim tinh hoa của thế giới. Sau hội nghị, nhiều biên bản hợp tác đã được ký kết và có ít nhất 5 đoàn làm phim quốc tế sẽ đến Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhiều sự kiện lớn được tổ chức thành công đã để lại tiếng vang lớn trong giới doanh nghiệp và bạn bè du khách quốc tế về tiềm năng du lịch của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch nông thôn, du lịch điện ảnh, du lịch khám phá. Năm 2024, nhiều chương trình xúc tiến du lịch tại Trung Quốc, các nước châu Âu, Liên bang Nga đã được triển khai với cách triển khai sáng tạo, để lại dấu ấn tốt đẹp và mang lại hiệu quả rõ nét trong thúc đẩy tăng trưởng du lịch Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ I tại Hội An (Quảng Nam). Năm Du lịch quốc gia 2024 được tổ chức tại tỉnh Điện Biên, cùng với đó là chuỗi các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các địa bàn trọng điểm đã thúc đẩy tăng trưởng du lịch ở hầu hết các chỉ số: Số lượng khách, doanh thu, lưu trú, dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng…
Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2024 với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” được nhiều địa phương triển khai, tổ chức nhằm thu hút du khách, giới thiệu các chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm của du khác. Chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường sạch sẽ, văn minh cho hoạt động du lịch… được ngành Du lịch chú trọng nâng cao.
Kết quả, ngành Du lịch đã đạt được nhiều chỉ tiêu ấn tượng về lượt khách và doanh thu, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và tăng trưởng của Việt Nam.
Để có được những kết quả đáng khích lệ này, năm 2024, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chủ động đồng hành với các địa phương tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, tập trung phát triển du lịch hướng tới sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, đơn giản, giá cả cạnh tranh, môi trường vệ sinh sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn. Nhờ đó, Việt Nam đã tiếp tục khẳng định uy tín về điểm đến an toàn, thân thiện trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo, ngành Du lịch Việt Nam năm 2024 đã đạt được nhiều con số ấn tượng, tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 như: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,5 triệu lượt (tăng 38,9%); khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt (tăng 1,6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng (tăng 23,8%).
Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards-WTA) tiếp tục tôn vinh Việt Nam ở 3 hạng mục: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu châu Á và Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á.
|
Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển rất lớn. |
Tuy nhiên, làm thế nào để du lịch Việt thực sự cất cánh trong năm 2025?Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2025, ngành Du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa và duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9% mỗi năm. Ngành cũng đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP với 980 - 1.050 tỷ đồng doanh thu, tạo 5,5 triệu việc làm trong đó có 1,8 triệu việc làm trực tiếp. Đến năm 2030, du lịch đặt mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa.
Để đạt được mục tiêu về tăng trưởng thị trường quốc tế, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ngành Du lịch Việt sẽ lựa chọn thị trường theo các tiêu chí: thị trường được miễn thị thực nhập cảnh; có kết nối đường bay thuận lợi; có tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, có chất lượng. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Việt Nam cần phối hợp với các bên liên quan để tháo gỡ những nút thắt về thể chế phát triển, những điểm nghẽn về kìm hãm đầu tư phát triển du lịch.
Bên cạnh đó cần tăng cường kết nối, phối hợp tổ chức các sự kiện “Ngày/Tuần Văn hóa Việt Nam” tại nước ngoài để vừa quảng bá văn hóa, vừa xúc tiến du lịch và thúc đẩy hợp tác thể thao. Đồng thời tích cực khai thác truyền thông số trong việc quảng bá văn hóa Việt, đề xuất hợp tác với các nền tảng truyền thông lớn quốc tế để xây dựng hình ảnh Việt Nam thịnh vượng, giàu bản sắc.
Ngành Du lịch cũng sẽ tập trung khai thác, mở rộng nhiều thị trường trọng điểm và tiềm năng; xây dựng nhiều sản phẩm mới chất lượng cao như du lịch hội nghị (MICE), du lịch golf…; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam./..