Tháo gỡ các vướng mắc lựa chọn nhà đầu tư 

Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ ngày 20/4/2020, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định 25) thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP (Nghị định 30) bắt đầu có hiệu lực.

 

Với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, Nghị định 25 sẽ góp phần tháo gỡ các vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị định 25 đã khắc phục những hạn chế, bất cập và chồng chéo trong quá trình thực hiện Nghị định 30; đồng thời, kế thừa những quy định đã được thực hiện ổn định và vẫn còn phù hợp của Nghị định 30.

Nghị định 25 được chờ đợi sẽ tháo gỡ các vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất (Ảnh minh họa: TTXVN)

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định 25 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, gồm dự án hợp tác công - tư (PPP) theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP; dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại, công trình thương mại, dịch vụ, công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh; dự án không thuộc hai loại trên nhưng phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.

Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, những vướng mắc, lấn cấn đối với nhiều địa phương đã được tháo gỡ. Cụ thể, Nghị định 25 phân định rõ trường hợp giao đất, cho thuê đất theo một trong ba hình thức gồm: đấu thầu dự án theo Luật Đấu thầu; đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai; quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư.

Nghị định 25 nêu rõ điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất trước hết là phải thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc khu đất do Nhà nước đang quản lý, sử dụng; chương trình phát triển đô thị (nếu có) theo quy định của pháp luật về phát triển đô thị.

Hơn nữa là phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000 theo quy định của pháp luật. Cùng với đó là không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nghị định 25 cũng quy định cụ thể các nội dung về xác định danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất; tiêu chuẩn, nguyên tắc xét duyệt trúng thầu; trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu…

Đối với việc xác định giá trị m3, Nghị định 25 quy định giá trị m3 được xác định mang tính tương đối, là căn cứ để nhà đầu tư đề xuất nộp ngân sách nhà nước và độc lập với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai. Giá trị này phải phản ánh bản chất lợi thế của khu đất (như một giá trị thương quyền để được đầu tư dự án trên khu đất đó). Công thức tính được nêu rõ tại Nghị định 25.

Cục Quản lý đấu thầu cho biết, quy định như vậy đảm bảo “không trái với quy định của luật hiện hành” như ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp; đồng thời, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân thông qua cơ chế đề xuất nộp ngân sách nhà nước, tương tự cơ chế đấu giá. Cùng với đó, cơ chế đấu thầu là một giải pháp để kêu gọi nguồn vốn tư nhân đồng hành trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đi cùng với việc triển khai các dự án, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị định 25 gồm 9 Chương và 92 Điều còn tập trung sửa đổi các quy định về: đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở thống nhất với quy trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án PPP quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư liên quan, bao gồm dự án PPP ứng dụng công nghệ cao, dự án hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Quy trình lựa chọn nhà đầu tư bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết thỏa thuận đầu tư.

Bên cạnh đó, Nghị định 25 tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao tính giải trình tránh vấn đề phát sinh thông qua quy định cơ bản về quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu)… Các nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP sẽ góp phần tháo gỡ các vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất của các địa phương trong cả nước trong thời gian tới./.

 

 
TTXVN
278 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 496
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 496
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89007527