Tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế phát triển 

(ĐCSVN) - Đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 31/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Tập trung hoàn thiện thể chế đầu tư công

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm và ấn tượng sự quyết liệt, mạnh mẽ, kiên định, kiên trì đổi mới cách nghĩ, cách làm vì Nhân dân của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, trung ương: cụ thể đã tháo gỡ nhiều khó khăn về thể chế chính sách, tháo gỡ cho hạ tầng, công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đưa nhiều dự án quan trọng đi vào vận hành, khởi động sau rất nhiều năm gián đoạn, có cả dự án kéo dài 20 năm như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Vân phong 1, Sông Hậu 1, kho Cảng Khí hóa lỏng Thị Vải, Chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn…, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của nước ta. 

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương 

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng thời gian qua, cơ cấu lại đầu tư công bộc lộ một số bất cập. Bên cạnh năng lực chuẩn bị dự án, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án chưa tốt, phải điều chỉnh nhiều lần, theo đại biểu, nhiều quy định trong Luật Đầu tư công và pháp luật khác liên quan chậm được sửa đổi, hoặc nhiều vấn đề có quy định rồi nhưng chậm hướng dẫn không đáp ứng yêu cầu tiễn. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ phải có kế hoạch và danh mục chi tiết, tập trung hoàn thiện thể chế cho lĩnh vực này.

“Cần nghiên cứu phân cấp mạnh hơn và ban hành kịp thời các tiêu chuẩn, định mức liên quan đến đầu tư công, để địa phương thực hiện” - đại biểu đề nghị.

Cũng theo đại biểu, cử tri đồng thuận cao với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, kiến nghị Chính phủ đánh giá lại tổng thể phân bổ nguồn lực và các điều kiện đảm bảo cho chính quyền địa phương, trong đó xem xét việc phân bổ biên chế hành chính và ngân sách nhà nước cho phù hợp hơn với những việc được phân cấp và với từng loại hình chính quyền địa phương để báo cáo Quốc hội và kiến nghị Trung ương quyết định vấn đề này một cách hợp lý hơn. 

Đại biểu chỉ rõ, Bình Dương hiện có gần 3 triệu dân, quy mô dân số đứng thứ 6, quy mô kinh tế thứ 3 cả nước, nhưng biên chế đứng thứ 52/63 tỉnh, thành phố, hầu hết biên chế hành chính nhà nước của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện đều ở khung tối thiểu. Nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực rất rộng cộng với nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp là rất lớn; áp lực, tần suất, số lượng công việc rất cao, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên làm việc quá giờ hành chính, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật. 

“Thống kê năm 2022, 01 công chức, viên chức của tỉnh tiếp nhận và trả kết quả cao gấp 4,5 lần so với mức tối thiểu 1.600 hồ sơ/người/năm theo Quyết định số 468 ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều phường khác cao gấp 6,4 lần” - đại biểu dẫn chứng. Đồng thời cho biết cử tri Bình Dương đã nhiều lần và tiếp tục kiến nghị cần xem xét cơ chế phù hợp hơn cho tỉnh và các tỉnh, thành tương tự. Trường hợp vượt tiêu chuẩn quy định, cần giao cho chính quyền địa phương xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên, giữ chân và thu hút được nhân lực có đức, có tài cho khu vực công…

“Cử tri cả nước mong rằng "Tinh thần kiến tạo, phục vụ Nhân dân" phải tiếp tục được thấm nhuần và lan tỏa thực chất bằng hành động quyết liệt, cụ thể, từ trung ương đến ngành, địa phương; và mỗi người thực thi công vụ phải luôn đau đáu, trăn trở, đồng hành giải quyết các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, bên cạnh tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cần có chính sách hợp lý hơn cho những người có tâm, có tầm, cống hiến cho nền công vụ nước nhà - đại biểu nhấn mạnh.

Tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp

Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng) nhận định, có nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm tới. Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” cho phù hợp, có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù ngân hàng nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định. 

Đại biểu cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm không khả thi, chỉ giải ngân được rất ít. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Đại biểu đề nghị cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững trong tương lai.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta ra sao; độ mở bao nhiêu là phù hợp với nước ta; nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế nước ta thế nào?. Từ đó có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại. 

Về giải pháp trong thời gian tới, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cần quan tâm đến nhóm giải pháp tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa. Theo đó, tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp; đại biểu nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 01/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công. 

Nhóm giải pháp thứ hai là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đại biểu đề nghị trong Kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu tổng soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đến đổi mới, sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.../.

 
Tú Giang
96 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1126
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1126
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87219379