Tháo gỡ “điểm nghẽn” giải ngân, đẩy nhanh gói kích cầu kinh tế 

(ĐCSVN) – Theo các đại biểu Quốc hội, cần làm rõ hơn nguyên nhân, vướng mắc, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp để tháo gỡ "điểm nghẽn" trong giải ngân vốn đầu tư công, kích thích gói phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

 

Sáng 22/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ. Trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhưng Chính phủ, Quốc hội đã rất nỗ lực ứng phó với những diễn biến khó lường của tình hình trong nước và quốc tế, đưa ra những quyết sách đúng đắn, bước đầu đem lại hiệu quả khi các chỉ số tăng trưởng đều ở mức ấn tượng; chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong giải ngân đầu tư công 

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam), báo cáo của Chính phủ có nhiều đổi mới, đề cập sâu hơn đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, thẳng thắn đánh giá các hạn chế yếu kém, dự báo sát với thực tế, đề xuất các giải pháp tương đối khả thi.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn. Mặc dù đã áp dụng rất nhiều giải pháp nhưng các chương trình trọng điểm quốc gia vẫn không đúng tiến độ. 

“Báo cáo vẫn chưa đánh giá hết tình hình, các vướng mắc về cơ chế, thể chế, chính sách, ngoài ra còn là sự yếu kém trong tổ chức thực hiện”, đại biểu thẳng thắn nêu.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam). Ảnh: HL. 

Bên cạnh đó, liên quan đến chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, các gói hỗ trợ trong Nghị quyết 43 của Quốc hội được triển khai rất chậm. Đến nay đã qua gần 1 năm ban hành Nghị quyết và có hiệu lực chỉ đến 31.12.2023, tuy nhiên theo báo cáo, toàn bộ gói chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khoảng 113.550 tỷ đồng chưa giải ngân được khoản nào.

 “Vậy chỉ còn 1 năm nữa có giải ngân được không?”, đại biểu đặt vấn đề.

Cùng quan tâm tới vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Vi Đức Thọ (Đoàn Sơn La) nêu rõ nội dung thực hiện chậm, ở mức rất thấp, đạt 2,86% ở 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2022, việc giao vốn rất chậm, có 12 văn bản Bộ, ngành trung ương chưa hướng dẫn triển khai thực hiện để địa phương tổ chức triển khai. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện trong năm 2023.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP.Hà Nội) chỉ ra, kết quả thực hiện việc triển khai các Chương trình phục hồi kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn khiêm tốn, cụ thể, toàn bộ nguồn vốn dành cho gói hỗ trợ mới chỉ sử dụng ở cuối tháng 8, gói hỗ trợ lãi suất 2% thì mới giải ngân 1/3 kế hoạch.Dù đã có nhiều cải thiện môi trường kinh doanh, song trong thực tế, doanh nghiệp vẫn rủi ro do tồn tại những bất cập trong khung pháp lý, một số doanh nghiệp có tâm lý co cụm, không mạnh dạn mở rộng kinh doanh.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không chỉ là ở việc sử dụng các chính sách tài khoá tiền tệ, mà còn phải cải cách thể chế, khơi thông điểm nghẽn, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi an toàn cho doanh nghiệp.

Giải quyết thách thức trong thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động

Tham gia thảo luận, đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) phản ánh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, làm ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Theo đại biểu, thực tế tình trạng này đã diễn ra trong gần 2 năm qua và báo cáo hàng năm của Chính phủ năm về tình hình kinh tế đều có đề ra nhiệm vụ khắc phục, giải quyết vấn đề này tuy nhiên đến nay tình trạng này chưa cải thiện. Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị, Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

 Các đại biểu thảo luận tại tổ 3. Ảnh: QH.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (Đoàn Bình Thuận) bày tỏ quan tâm tới tốc độ tăng năng suất lao động, với mục tiêu đặt ra năm 2022 là 5,5%, tuy nhiên mức dự kiến đạt được chỉ là 4,7% đến 5,2%.

Đại biểu cho rằng đây là thách thức rất lớn đối với việc thực hiện mục tiêu này cho giai đoạn 2021-2025. Do đó, đề nghị xem xét lại việc đặt ra chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động trong năm 2023.

Theo đại biểu, vấn đề tăng năng suất lao động xã hội là một trong những biểu hiện thực chất đối với chất lượng nguồn nhân lực; và được đánh giá là một trong ba đột phá quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu bày tỏ mong muốn sẽ có những giải pháp trực tiếp, hiệu quả đối với việc đạt được chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội. Các phương thức, cách thức triển khai cần đảm bảo về mặt thời gian, chi phí, nguồn lực mới có thể đẩy nhanh quá trình thực hiện mục tiêu đặt ra.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần đề xuất sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở, có thể áp dụng ngay từ 1/1/2023, nhằm kịp thời hỗ trợ giảm khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tăng./.

 
Nhóm PV
165 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 801
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 801
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87081080