Tháo dỡ các rào cản – Vận hội của kinh tế tư nhân 

(Chinhphu.vn) – Tháo dỡ các rào cản, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển nhanh, hội nhập thành công trở thành đòi hỏi bức xúc và cần được tiến hành một cách bài bản và kiên quyết.
GS.TSKH Lê Du Phong. Ảnh: VGP/Phương Liên

GS.TSKH Lê Du Phong - nguyên Quyền Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân là người có nhiều trăn trở tâm huyết, với mong muốn không còn các rào cản về thể chế, để khu vực KTTN có thể “cất cánh”, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Thúc đẩy từ chính sách

Để thực thi được mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất coi trọng xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, sau 30 năm Đổi mới, chủ trương xây dựng thể chế kinh tế thị trường của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhất quán và ngày càng đổi mới, phù hợp với quá trình phát triển của nền kinh tế nước nhà, với xu thế phát triển của thời đại và hội nhập quốc tế.

GS.TSKH Lê Du Phong phân tích: “Xây dựng hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý phù hợp cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành thuận lợi và hiệu quả luôn là vấn đề hàng đầu được Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra trong các kỳ Đại hội khi bàn về xây dựng thể chế kinh tế”.

Nhờ sự quan tâm đó của Đảng, từ năm 1990 đến năm 2015, tức là trong vòng 25 năm, Việt Nam đã xây dựng và ban hành 190 Bộ luật và Luật, 85 Pháp lệnh (kể cả sửa đổi, bổ sung) có liên quan đến việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh đã góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các tác nhân tham gia trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sau 30 năm Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã xác định ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò của các tác nhân tham gia hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo GS.TSKH Lê Du Phong, nền kinh tế thị trường ra đời dựa trên nền tảng của chế độ đa sở hữu về tư liệu sản xuất, trong đó sở hữu tư nhân là quan trọng nhất. Và nền kinh tế thị trường chỉ có thể phát triển mạnh mẽ, đúng quy luật khi tất cả các tác nhân đều được bình đẳng trong tham gia hoạt động trên thị trường.

Có thể nói, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước nhận ra hai vấn đề này và đã có chủ trương giải quyết phù hợp với sự thay đổi của nhận thức cũng như thực tiễn. Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006) đến Đại hội lần thứ XII (1/2016), nhận thức của Đảng về thành phần kinh tế và vai trò, vị trí của từng thành phần trong nền kinh tế quốc dân cũng đã có sự thanh đổi phù hợp hơn với thực tế của đất nước và với xu thế phát triển của thời đại.

Về thành phần kinh tế, “kinh tế cá thể, tiểu chủ” và “kinh tế tư bản tư nhân” được gộp lại thành “KTTN”. Như vậy, trong nền kinh tế chỉ còn 5 thành phần kinh tế là: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, KTTN, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Về vai trò, vị trí của các thành phần kinh tế, từ Đại hội XII, quan điểm “Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” đã được loại bỏ. Trái lại, vai trò, vị trí của KTTN ngày càng được đề cao.

Đại hội X cho rằng “KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”. Đại hội XI khẳng định “KTTN trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”. Đại hội XII khẳng định mạnh mẽ hơn “KTTN là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế”.

“Việc xác định đúng vai trò, vị trí của các tác nhân tham gia hoạt động trong nền kinh tế đã tạo ra hào khí mạnh mẽ làm kinh tế trong mọi tầng lớp dân cư, giúp Đảng và Nhà nước khai thác được tối đa các nguồn lực để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, GS Lê Du Phong khẳng định.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện và phù hợp đã giúp cho kinh tế-xã hội phát triển nhanh, liên tục và đạt được những thành tựu quan trọng suốt 30 năm Đổi mới vừa qua.

Nền kinh tế thị trường càng đi vào hiện đại thì KTTN càng có vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì thế, GS Lê Du Phong cho rằng nên tập trung thực hiện quyết liệt việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nhất là những lĩnh vực khu vực tư nhân làm tốt, làm có hiệu quả. Mặt khác, cũng đã đến lúc coi KTTN và nền tảng, là động lực chủ yếu của nền kinh tế.

Sự xuất hiện của thành phần KTTN cũng đã mang lại sự thay đổi đáng kể cho bộ mặt kinh tế của đất nước. Và cũng có thể nói KTTN là động lực giúp Việt Nam vượt qua được giai đoạn khó khăn vừa qua, khi nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn đang phải vật lộn với khó khăn tài chính và sự chuyển đổi sau quá trình cổ phần hóa. Những năm sắp tới, GS. Phong cho rằng cần phải tập trung cho việc phát triển KTTN, phải nhanh chóng làm cho KTTN của nước ta có các tập đoàn kinh tế tầm cỡ quốc tế.

Để rào cản không còn là những trở lực

GS.TSKH Lê Du Phong cho biết thuật ngữ “Rào cản về thể chế kinh tế” mới xuất hiện ở nước ta mấy năm gần đây, khi trong thực tiễn không ít các quy định của các Bộ luật và Luật, các cơ chế và chính sách được đưa ra thực thi trong nền kinh tế, cũng như cách hành xử của các cơ quan và công chức thuộc bộ máy Nhà nước đã đem lại không ít khó khăn, trở ngại đối với các hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Hậu quả là làm cho tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có xu hướng chậm lại. Xác định rõ các rào cản về thể chế kinh tế và tìm cách tháo dỡ nó đã trở thành đòi hỏi bức xúc.

GS. Lê Du Phong cho rằng “Rào cản về thể chế kinh tế” có thể hiểu là “Những trở lực của “Luật chơi” và cách tổ chức thực thi “luật chơi” (kể cả chính thức và phi chính thức) đối với hoạt động của các tác nhân tham gia trong nền kinh tế ở một thời kỳ nhất định”. Theo GS. Phong, đã là “luật chơi” cho dù chính thức hay phi chính thức, cũng chỉ phù hợp với tiến trình phát triển chung của thời đại và của đất nước trong một thời gian nhất định. Do đó, hoàn thiện và đổi mới “luật chơi” cho phù hợp với điều kiện mới là vấn đề phát được đặt ra thường xuyên đối với từng quốc gia. Bởi lẽ, nếu không “luật chơi” đó sẽ trở thành rào cản đối với sự phát triển của nền kinh tế.

“Luật chơi” chính thức là bộ phận quan trọng nhất của thể chế kinh tế, nó bao gồm: Hiến pháp, các Bộ luật và Luật, các văn bản dưới luật và cơ chế thực thi các văn bản đó được xác định cho các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. “Luật chơi” phi chính thức là các quy tắc bất thành văn, quy phạm, những điều cấm kỵ mà các nhóm  người trong xã hội tham gia hoạt động trong nền kinh tế tự nguyện tuân thủ.

Ông Lê Du Phong cho rằng kinh tế Việt Nam có thể sẽ tụt lại so với nhiều nước trong khu vực và KTTN cũng khó phát triển mạnh được nếu không có sự thay đổi về môi trường kinh doanh một cách quyết liệt hơn.

Về vấn đề được các chuyên gia kinh tế nhắc đến nhiều là tương quan thiếu cân bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước. Vấn đề này đang được tích cực giải quyết bằng quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân. Quá trình cổ phần hóa đã giúp thu hẹp số lượng doanh nghiệp Nhà nước. Tuy vậy, theo GS. Phong, số doanh nghiệp Nhà nước còn lại dù ít nhưng phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô lớn và đang chiếm thị phần lớn trên nhiều lĩnh vực. Để có thể giúp thành phần KTTN tham gia sâu, rộng hơn vào thị trường, tiến trình cổ phần hóa cần phải đẩy nhanh hơn nữa.

Một biện pháp hỗ trợ DN tư nhân nữa có thể sớm được đưa vào thực hiện, đó là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018. Do có 90% số doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ và phần lớn số đó là doanh nghiệp tư nhân, Luật này sẽ giúp Việt Nam có một mô hình, chính sách và nguồn lực hợp lý để tạo thuận lợi cho DN tư nhân phát triển.

Bên cạnh đó, GS. Lê Du Phong cho rằng cơ quan Nhà nước, chính quyền các ngành, các cấp cần có chương trình hành động cụ thể, được xây dựng trên cơ sở tham vấn định kỳ với doanh nghiệp, được công bố rõ, được kiểm điểm hằng năm, thành chỗ tin cậy cho kinh doanh, là đầu mối quy hoạch phát triển, dẫn dắt và phục vụ đắc lực cho doanh nghiệp trong hội nhập.

Vẫn còn nhiều rào cản gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân. Mỗi ngành nghề đều có những vấn đề riêng. Song tựu chung đều liên quan tới những vướng mắc do hệ thống thủ tục hành chính phức tạp và những trói buộc trong quá trình tiếp cận nguồn tài chính.

Theo GS. Lê Du Phong, cơ quan công quyền về đăng ký kinh doanh, thủ tục hải quan, thuế, cấp đất cho dự án kinh doanh, quản lý và cấp vốn đầu tư và hỗ trợ phát triển cần duy trì cơ chế đối thoại cùng các thiết chế đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua cơ chế đó, định kỳ đánh giá chất lượng dịch vụ công các ngành trên, với tiêu chí đánh giá minh bạch thuận tiện, tiến hành đánh giá về từng loại dịch vụ công theo địa phương theo ngành và công bố và công khai kết quả tiến bộ có được.

Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế. Thực hiện được các nội dung của Nghị quyết sẽ có sức khuyến khích phát triển rất tốt cho lực lượng kinh tế tư nhân. Nghị quyết là sự khơi nguồn cho sự đổi mới, là cơ sở để các lực lượng kinh tế tư nhân trước đây bị kìm hãm hoặc bị hạn chế được bung ra. Tuy nhiên, GS. Lê Du Phong cho rằng vai trò chủ động của doanh nghiệp vẫn có ý nghĩa quyết định. Với kỳ vọng về một thị trường trong nước tiềm năng và cơ hội hội nhập rất lớn, các doanh nghiệp Việt Nam cần năng động, sáng tạo và quyết liệt hơn trong mỗi bước đi của mình.

Phương Liên

415 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 982
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 982
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76714508